Phát triển điện mặt trời: Kinh nghiệm nhìn từ các nước
Có thể nói, phát triển điện mặt trời (ĐMT) nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đang là một vấn đề rất "nóng" không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Chính vì vậy, để phát triển thì việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã phát triển sẽ góp phần cho ĐMT tại Việt Nam đi đúng hướng.
Khách tham quan hệ thống năng lượng mặt trời được trưng bày trong khuôn viên Ngày hội Tiết kiệm điện - Ảnh: VGP/Minh Thi |
Từ những nền kinh tế đã phát triển ĐMT như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu
Trước tiên, phải nhìn vào kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch của Trung Quốc, một nền kinh tế lớn đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) cho thấy, từ chỗ Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…, đến nay, đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch.
Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung quốc đã chỉ ra phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than.
Cụ thể, Trung Quốc đã điều chỉnh giá điện từ nguồn tái tạo và hủy bỏ các kế hoạch triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất nguồn năng lượng sạch tại nước này.
Theo đó, năm 2015, điện gió đã cung cấp 33 GW cho Trung Quốc, gấp 3 lần công suất năng lượng sạch tại Pháp và dự kiến Trung Quốc tăng công suất điện gió lên 210 GW vào 2020, tương đương với tổng công suất điện gió của cả thế giới.
Riêng với năng lượng ĐMT, cuối năm 2017, Trung Quốc cũng đạt công suất là 126 GW, tăng 67% so với năm 2016.
Tiếp đến, phải nói đến một cường quốc về khoa học-công nghệ phát triển là Nhật Bản cũng đã sớm nhận thức vai trò và tầm quan trọng của nguồn năng lượng sạch đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngay từ năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, trong đó, cho những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu yen, tương đương gần 5.000 USD.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.
Để thúc đẩy ĐMT phát triển hơn nữa, tháng 8/2011, Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FiT) mua năng lượng tái tạo, khuyến khích người dân tự sản xuất ĐMT tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm ĐMT lớn và tập trung.
Luật FiT cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư.
Cụ thể, Chính phủ mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường, khoảng 40 yen/kWp (0.50 USD/kWh) cho các dự án có công suất 10 kW trở lên. Đối với các dự án công suất <10 kW, giá mua là khoảng 42 yen/kWp (0.53 USD/kWh).
Chỉ riêng năm 2016, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 2,3 nghìn tỉ yen (tương đương 20,5 tỉ USD) hỗ trợ việc mua lại ĐMT với giá cao.
Chính vì vậy, từ năm 2011 đến năm 2014, công suất lắp đặt ĐMT tại Nhật Bản tăng mạnh từ 5.000 MW lên 25.000 MW. Đến nay, đã có khoảng 2,4 triệu khách hàng (bao gồm hộ gia đình, doanh nghiệp…) lắp đặt ĐMT áp mái ở Nhật Bản.
Đặc biệt, nhằm tạo động lực và gia tăng lợi ích cho người dân và doanh nghiệp khi đầu tư vào ĐMT, tháng 4/2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã ban hành luật FiT mới (sửa đổi). Theo đó, giảm thuế từ 21 đến 30 yen/kWp điện tái tạo, tùy thuộc vào quy mô hệ thống.
Tiếp đến, tháng 7/2018, Nhật Bản thông qua kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng lần thứ 5 tầm nhìn 2030 và đến 2050.
Theo đó, đã định hướng phát triển năng lượng dựa trên nguyên lí 3 E+S, (Safety - An toàn; Energy Sercurity - An ninh năng lượng; Enviroment - Môi trường và Economic Effeciency - Hiệu quả kinh tế).
Theo kế hoạch, Nhật Bản tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Cụ thể, đến năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 22-24%, nhiên liệu hóa thạch 56% và năng lượng hạt nhân từ 20-22%.
Tại Anh, một nước có nền kinh tế rất phát triển tại châu Âu, đã thực hiện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu được 20 năm đang là nước dẫn đầu trên thế giới về công suất điện gió ngoài khơi với 2 GW đã được lắp đặt trong năm 2018 và hướng tới mục tiêu 30 GW vào năm 2030. Hiện tại, điện gió hiện chiếm khoảng 10% năng lượng của nước Anh.
Nếu như năm 2012, nước Anh phải dựa vào nhiệt điện than là 40%, thì hiện nay, con số này là 6%. Tức là sau 7 năm, nước Anh đã giảm sự phục thuộc vào than cho sản xuất điện từ 40% xuống còn 6%. Ngoài ra, nước Anh còn là một quốc gia đứng đầu trên thế giới về cơ chế tài chính xanh.
…đến các nước trong khu vực ASEAN
Không chỉ ở các nền kinh tế lớn của thế giới mới nhận thức được vai trò của phát triển năng lượng xanh, sạch quyết định đến an ninh năng lượng toàn cầu mà tại khu vực ASEAN, phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo luôn là vấn đề cấp thiết của các quốc gia Đông - Nam Á, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN xanh và sạch.
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế ASEAN thời gian qua, nhu cầu sử dụng năng lượng của các quốc gia trong khu vực ngày càng lớn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ năng lượng của ASEAN tăng 60% trong 15 năm qua. Bởi vậy, các quốc gia trong khu vực ASEAN cần nhanh chóng thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch.
Nói đến phát triển năng lượng sạch trong khu vực ASEAN trước tiên phải nói đến Thái Lan, hiện nay đang là nước dẫn đầu ASEAN trong sử dụng ĐMT.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, Thái Lan xếp thứ 15 trong Tốp toàn cầu năm 2016, với công suất hơn 3.000 MW, cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại. Dự kiến, công suất lắp đặt ĐMT tại đất Thái Lan đến năm 2036 là 6.000 MW.
Trong khối ASEAN, Thái Lan là nước đầu tiên áp dụng biểu giá FiT năm 2016 (feed-in-tariff - các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cho năng lượng tái tạo; trong đó các dự án năng lượng mặt trời nhận được FiT cao nhất, với mức 23 cent/kWh cho 10 năm.
Sau đó, chương trình này được thay thế bằng chương trình FiT 25 năm với giá 17 đến 20 cent/kWh tùy thuộc vào loại máy phát điện.
Để khuyến khích cho các dự án nhỏ, Thái Lan cũng đã đưa ra các mức hỗ trợ FiT cao nhất cho các nhà sản xuất nhỏ như các dự án quy mô nhỏ trên mái nhà.
Cụ thể, Thái Lan đưa ra mức giá FiT ưu đãi 21 cent/kWh cho các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà, đồng thời khởi xướng chương trình “Mái nhà quang điện”. Đây chính là lý do khiến Thái Lan trở thành người dẫn đầu trong thị trường ĐMT ở Đông Nam Á.
Tiếp đến, Singapore, một quốc gia điển hình trong phát triển năng lượng sạch và là quốc gia được đánh giá là xanh, sạch nhất thế giới.
Để có được kết quả như vậy, Singapore tích cực khuyến khích việc phát triển năng lượng sạch như ĐMT và điện gió.
Năm 2016, Singapore đã công bố tài trợ hơn 700 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) ở khu vực công trong 5 năm nhằm tìm ra giải pháp cho phát triển bền vững đô thị.
Hiện Singapore đang thử nghiệm xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời trong đô thị và các trạm ĐMT nổi trên các hồ chứa.
Đồng thời, để thúc đẩy các dự án ĐMT, Singapore cung cấp các mức thuế cạnh tranh và ưu tiên phát triển thị trường buôn bán điện cạnh tranh. Theo đó, tất cả người tiêu dùng, trong đó có các hộ gia đình sẽ có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình.
Trong khi đó, Indonesia đầu năm 2017 đã thông qua luật về năng lượng tái tạo, trong đó thay đổi mức thuế suất đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Theo luật mới, mức hỗ trợ FiT sẽ dựa trên chi phí cung cấp điện trung bình của khu vực, nơi dự án điện năng lượng mới được xây dựng. Mức hỗ trợ theo chương trình mới là từ 6,5 đến 11,6 cent/kWh.
Luật mới của Indonesia cũng cho phép ĐMT cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện đốt than - hình thức sản xuất điện năng phổ biến ở Indonesia.
Cơ chế thanh toán bù trừ (Metering Net) dành cho hộ gia đình, thương mại sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà cũng được thông qua vào năm 2013, bắt buộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Indonesia phải trả khoản năng lượng dư thừa được sản xuất bởi năng lượng mặt trời vào tài khoản của khách hàng.
Tại Malaysia, chính sách về năng lượng mặt trời đã được quy định trong Đạo luật Năng lượng tái tạo năm 2011 và được sửa đổi năm 2014 nhằm phù hợp với sự thay đổi của thị trường cũng như việc giảm giá các tấm pin năng lượng.
Ngoài ra, cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) đã được đưa ra vào năm 2016 với mục tiêu đạt 500 MW ĐMT vào năm 2020 tại bán đảo Malaysia và Sabah.
Theo đó, người tiêu dùng chỉ tốn 1m2 lắp đặt là có thể tạo ra điện năng cho gia đình và bán năng lượng dư thừa cho điện lưới quốc gia.
Nhờ các chính sách hỗ trợ về giá, công suất lắp đặt pin mặt trời tại Malaysia cho đến nay đạt 338 MW. Quốc gia này đặt mục tiêu 1.356 MW vào năm 2020.
(Theo chinhphu.vn)