Chủ Nhật, 13/10/2019, 18:16 (GMT+7)
.

"Khốn đốn" vì những cuộc gọi đòi nợ đe dọa

Hàng loạt người dùng phản ánh tình trạng thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu nợ, ngay cả trong trường hợp người tiêu dùng không có khoản vay tại đơn vị liên quan. Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã liên hệ đề nghị đơn vị liên quan xác minh và chấm dứt việc thu nợ nhầm nhưng không được giải quyết triệt để.

Nhiều người dùng
Nhiều người dùng "Khốn đốn" vì những cuộc gọi đòi nợ đe dọa . Ảnh minh họa: Internet

Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công thương, trong tháng 9, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục CT&BVNTD (số điện thoại 1800.6838) đã tiếp nhận 654 cuộc gọi đến, trong đó, có 439 cuộc gọi được ghi nhận dưới dạng phản ánh, đề nghị của người tiêu dùng. Đơn vị này cũng đã tiếp nhận 57 khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng.

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, nhóm hàng hóa, dịch vụ có tỷ lệ khiếu nại nhiều nhất trong tháng 9 tiếp tục là “Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” với tỷ lệ chiếm 35%. Tiếp đến lần lượt là điện thoại, viễn thông (25%) và “Đồ điện tử gia dụng” (19%).

Theo đó, có tới 32% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để phản ánh về việc thông tin liên hệ của mình bị đơn vị thu hồi nợ tự động sử dụng để gọi điện, nhắn tin với mục đích quấy rối, đe dọa thu nợ, ngay cả trong trường hợp người tiêu dùng không có khoản vay tại đơn vị liên quan. Nhiều trường hợp người tiêu dùng đã liên hệ đề nghị đơn vị liên quan xác minh và chấm dứt việc thu nợ nhầm nhưng không được giải quyết triệt để.

Cũng trong số đơn khiếu nại được phản án, có 19% người tiêu dùng phản ánh về việc doanh nghiệp cung cấp thông tin không chính xác, gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các điều kiện giao dịch, ví dụ như chính sách đổi trả hàng hóa, về mức lãi suất, về thủ tục thanh lý hợp đồng trước hạn trong hợp đồng vay…

Nhiều người tiêu dùng do không để ý đến nội dung hợp đồng, chỉ nghe theo nội dung tư vấn của nhân viên nên đã ký hợp đồng. Đối với các trường hợp tranh chấp như vậy, khi giải quyết, việc căn cứ theo nội dung hợp đồng đã ký kết thường mang lại bất lợi cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, 17% đơn khiếu nại/yêu cầu của người tiêu dùng phản ánh về việc người dùng khiếu nại về việc đặt mua hàng qua trang website thương mại điện tử nhưng hàng giao đến có chất lượng kém/không giống với quảng cáo.

Phía Cục CT&BVNTD cũng cho biết, tính đến hết ngày 30/9, Cục đã hỗ trợ giải quyết thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý 40 vụ việc trong tổng số 57 vụ việc khiếu nại (chiếm khoảng 70%). Số lượng khiếu nại còn lại đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải quyết.

(Theo ictnews.vn)

 

.
.
.