Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nhiều cơ quan báo chí đã "lỗi hẹn" với công nghệ
Cập nhật: 21:50, 13/11/2019 (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ sẽ là cú hích cho lĩnh vực truyền thông báo chí, tuy nhiên nhìn trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, báo chí đang đi sau về công nghệ.
Quang cảnh phiên khai mạc Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”. Ảnh T.B |
Ngày 13-11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Diễn đàn "Báo chí và Công nghệ". Diễn đàn là nơi để các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin chia sẻ, trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ phát triển báo chí, truyền thông cũng như giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm của một số cơ quan báo chí đã và đang ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí.
Khai mạc diễn đàn, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), nhấn mạnh báo chí đang gặp rất nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay, nguồn thu giảm sút. Theo ông Phúc, số lượng phát hành báo in cũng giảm sút liên tiếp trong những năm gần đây, cùng với đó là doanh thu quảng cáo trực tiếp đang gặp sự cạnh tranh khốc liệt với những "ông lớn" như Google, Facebook...
Trong bối cảnh đó, ông Lưu Đình Phúc cho rằng báo chí phải đồng lòng, sử dụng công nghệ để phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn với công nghệ |
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng công nghệ sẽ là cú hích cho lĩnh vực truyền thông báo chí, tuy nhiên nhìn trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, báo chí đang đi sau về công nghệ.
"Nhiều cơ quan báo chí đã lỗi hẹn, hoặc bỏ cuộc, hoặc chưa từng bắt đầu với công nghệ"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu thực trạng và chỉ rõ, nhiều cơ quan báo chí chưa biết phải bắt đầu từ đâu về công nghệ, tự "đốt đuốc tìm đường" hay kết nối lại với nhau để cùng làm.
Theo Bộ trưởng, tìm ra những mô hình mới cho kinh tế báo chí phù hợp với sự phát triển của công nghệ cũng là vấn đề mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở. Bởi vậy, báo chí không thể đứng ngoài cuộc của quá trình chuyển đổi số và quá trình này cần có những công ty công nghệ đi bên cạnh hỗ trợ. "Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT, hạ tầng Cloud, mà còn có thể phát triển các Platforms, các ứng dụng cho báo chí, nhất là các Platforms dùng chung cho báo chí" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh một số công ty đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số, đó là Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Yeah1 với hạ tầng và các ứng dụng cho báo chí.
"Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng, công nghệ số sẽ giúp cho báo chí thực hiện sứ mạng của mình tốt hơn. Nhưng chúng ta phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cũng đã đưa đến những góc nhìn rất mới về việc báo chí sẽ có chiến lược như thế nào với các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói. Ông Minh cho rằng trên thế giới hiện nay, các thiết bị như loa thông minh đang ngày càng phổ biến, từ chiếc loa này, người dùng có thể điều khiển bằng giọng nói để tìm kiếm thông tin, sau đó trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ đọc các tin tức đó cho người dùng nghe thay vì phải đọc thông tin từ báo in hay báo điện tử như hiện nay.
Trong dòng chảy của công nghệ, ông Lê Quốc Minh cho rằng báo chí cũng phải thay đổi, sáng tạo và thích ứng từng ngày. Một số tờ báo điện tử thuộc Thông tấc xã Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ để hỗ trợ rất hiệu quả như dịch thuật đa ngôn ngữ, công cụ thực hiện các bài long-form, hệ thống chuyển giọng nói thành văn bản, ứng dụng mobile news đa ngôn ngữ...
Trong khuôn khổ diễn đàn cũng đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác dự án “Phát triển Báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” giữa lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình - Thông tin điện tử và Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk. Các chương trinh hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo.
(Theo nld.vn)