Chủ Nhật, 08/12/2019, 09:47 (GMT+7)
.

Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông được bình chọn nổi bật 10 năm qua

Trang công nghệ Cnet vừa đưa ra danh sách 25 ứng dụng nổi bật nhất 10 năm qua, trong đó có Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông.

Từ game, mạng xã hội đến hẹn hò, 10 năm qua thế giới chứng kiến sự ra đời của không ít ứng dụng, làm thay đổi cơ bản cuộc sống của mỗi người. Kể từ khi App Store và Google Play ra đời năm 2008, chúng trở thành ngôi nhà của hàng triệu ứng dụng, giúp chúng ta liên lạc, tạo quan hệ, nghe nhạc, giải trí. Dưới đây là một số ứng dụng quan trọng và nổi tiếng nhất.

Flappy Bird. Ảnh: Cnet
Flappy Bird. Ảnh: Cnet

Instagram

Ra đời năm 2010, Instagram cho phép bạn chia sẻ ảnh, video. Nó không chỉ thay đổi cách chúng ta nghĩ về ảnh mà còn là công cụ tiếp thị hiệu quả. Instagram đang có 1 tỷ người dùng mỗi tháng. Nhờ liên tục nghĩ ra tính năng mới như Stories, Boomerang, nền tảng vẫn hấp dẫn dù có nhiều đối thủ.

Twitter

Twitter cũng xuất hiện cùng năm với Instagram, là nền tảng để mọi người đăng ảnh, video và văn bản. Sau 13 năm, không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Twitter tới cách toàn thế giới liên lạc. Tổng thống Mỹ Donald Trump là một người dùng tích cực mạng xã hội này.

Facebook

2010 còn là năm khai sinh của Facebook, mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Công ty có gần 2,5 tỷ người dùng, giúp họ kết nối với tất cả mọi người, đọc tin tức và giải trí bằng vô số ảnh – video chế, game.  

Tinder

Tinder là ứng dụng hẹn hò, ra đời năm 2012. Nhờ có nó, mọi người đã thay đổi cách tìm hiểu, làm quen, hẹn hò truyền thống. Bạn hoàn toàn có thể tìm được “ý trung nhân” chỉ bằng cách duyệt qua các hồ sơ trên điện thoại.

Google Maps

Google Maps là dịch vụ bản đồ của Google, xuất hiện năm 2007. Bạn có thể du lịch bất kỳ đâu trên thế giới chỉ bằng ứng dụng này. Nó sẽ hướng dẫn đường đi chi tiết, hiển thị các địa điểm nổi tiếng, quán xá, cây xăng, ATM…

Spotify

Dịch vụ nghe nhạc qua Internet Spotify ra đời năm 2011. Ngay ở buổi ban đầu, nó đã có kho nhạc 50 triệu bài hát, vượt xa mọi đối thủ cùng thời. Spotify khiến cho Apple phải mở dịch vụ âm nhạc riêng mang tên Apple Music năm 2015.

Uber

Uber ra mắt năm 2011, thay đổi hoàn toàn cách chúng ta gọi xe ôm, taxi. Các startup châu Á như Grab, GoJek đã bắt chước thành công Uber nếu không muốn nói là thành công hơn hẳn bản gốc và hướng tới trở thành siêu ứng dụng phục vụ mọi mặt đời sống.

Angry Birds

Game ra đời năm 2009 với nội dung khá đơn giản, bắn chim để giết lợn. Sự nổi tiếng của “chú chim giận dữ” đã được khẳng định và cho đến nay, nó vẫn là tựa game vô cùng phổ biến.

Pokemon Go

Đây là game thực tế tăng cường (AR) đầu tiên dựa trên “vũ trụ Pokemon”. Nó ngay lập tức trở thành hiện tượng khi được phát hành năm 2016. Dù không còn giữ được sức nóng như thưở đầu, Pokemon Go đã vượt mốc 1 tỷ lượt tải vào đầu năm 2019.

Flappy Bird

Tựa game của Nguyễn Hà Đông nổi tiếng vì độ khó và gây ức chế cho người chơi. Flappy Bird ra đời năm 2013 nhưng năm 2014 mới nổi tiếng toàn cầu trong 1 tháng trước khi tác giả quyết định đóng cửa.

Facebook Messenger/WhatsApp

Cả hai đều thuộc sở hữu của Facebook, cùng có tác dụng gửi tin nhắn nhưng lại khác biệt. Messenger được Facebook tách ra khỏi ứng dụng chính năm 2011, còn WhatsApp được Facebook mua về, có tính năng mã hóa tin nhắn nên bảo mật hơn.

Netflix

Netflix là ứng dụng xem video qua Internet, tập trung vào nội dung tự sản xuất. Nhiều bộ phim của Netflix gây sốt toàn cầu như Stranger Things, Narcos. Dù vấp phải cạnh tranh khốc liệt, Netflix vẫn là ứng dụng đứng đầu về nhiều mặt.

Snapchat

Snapchat ra mắt năm 2011 nhưng phổ biến nhất là từ năm 2013 đến 2015. Snapchat Stories, tin nhắn tự hủy và tính năng cầu vồng là những điểm nổi tiếng nhất của ứng dụng.

YouTube

Ra đời năm 2007, YouTube thay đổi hoàn toàn cách chúng ta giải trí trên mạng. Mọi người có thể đăng bất kỳ video gì lên nền tảng này và trở nên nổi tiếng với chúng.

Google Pay/Apple Pay

Hai ứng dụng thanh toán của Google và Apple cho phép bạn trả tiền tại các cửa hàng hay trên mạng chỉ bằng điện thoại, máy tính, đồng hồ thông minh.

Google Assistant/Siri/Alexa

Đây là các trợ lý giọng nói hàng đầu trên thị trường. Siri (2010), Google Assistant (2016), Alexa (2014) trả lời cho các câu hỏi mà bạn đặt ra một cách thông minh.

Amazon

Amazon là ứng dụng của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Trên ứng dụng này, bạn có thể tìm thấy đủ mọi thứ, từ sách, đồ chơi cho đến cả một ngôi nhà.

Skype/FaceTime

Skype (2009) và FaceTime (2010) giúp bạn gọi video với người khác theo thời gian thực dựa vào kết nối Internet.

Fortnite

Ra đời năm 2017, Fortnite tạo dựng được nhiều dấu mốc và không ngừng phát triển. Chức vô địch thế giới Fortnite 2019 có giá trị 3 triệu USD.

Google Photos

Google Photos hoạt động trên cả Android và iOS. Nó có bộ nhớ lớn hơn iCloud, tính năng tìm kiếm cũng hữu ích và ổn định hơn.

(Theo Cnet)

 

.
.
.