Làm than từ vỏ sầu riêng
Nhóm nghiên cứu của Trường Trung học phổ thông (THPT) Cái Bè (gọi tắt là Nhóm nghiên cứu) đã nghiên cứu và thực hiện thành công Đề tài sản xuất than từ vỏ sầu riêng. Việc sản xuất than từ vỏ sầu riêng có tính ứng dụng cao và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Thầy Huỳnh Minh Huy (giữa) và các học sinh trong Nhóm nghiên cứu cầm trên tay sản phẩm than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng. |
TẬN DỤNG PHẾ PHẨM TỪ NÔNG SẢN
Thầy Huỳnh Minh Huy, giáo viên bộ môn Hóa Trường THPT Cái Bè là người đề ra ý tưởng này và hướng dẫn các học sinh giỏi môn Hóa của trường cùng thực hiện. Thầy Huy cho biết: “Vỏ sầu riêng thải ra từ các cơ sở thu mua trái cây trên địa bàn huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy sau khi sơ chế có số lượng rất lớn.
Nguồn phế thải này gần như không được tái sử dụng, vứt bỏ tràn lan. Một số ít được nông dân tận dụng để ủ làm phân bón lót, nhưng hiệu quả không cao và gây ô nhiễm môi trường nước, không khí với mùi hôi khó chịu. Tôi đã nghĩ cách làm sao tận dụng nguồn nguyên liệu này để vừa tạo thêm kênh tiêu thụ sản phẩm từ trái sầu riêng, vừa góp phần giải quyết vấn đề môi trường nông thôn”.
Trước thực tiễn trên thị trường đã có than từ vỏ chuối và qua quá trình tìm tòi các tư liệu khoa học, thầy Huy và Nhóm nghiên cứu nhận ra rằng, trong vỏ sầu riêng có chất kết dính tương tự vỏ chuối, nên đã tìm hiểu thêm các chất phụ gia phù hợp để giúp than dễ cháy và tỏa nhiệt tốt.
Sau khi đã xác định được hướng đi cho ý tưởng, thầy Huy và Nhóm nghiên cứu đã bàn bạc, thảo luận từng bước đưa ý tưởng trở thành sản phẩm.
Qua đề tài, em biết được rằng khi biết cách áp dụng thì những kiến thức mà mình được học đều có tính ứng dụng chứ không chỉ là những con số khô khan. EM TRẦN NGỌC CẦN |
Sau thời gian nghiên cứu miệt mài, Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình sản xuất và cho ra đời những viên than tổ ong đầu tiên làm từ vỏ sầu riêng.
Theo đó, quy trình sản xuất than tổ ong từ vỏ sầu riêng khá đơn giản. Vỏ sầu riêng sau khi được thu gom từ các cơ sở thu mua trái cây được đưa vào máy xay nhuyễn cùng với vỏ chuối.
Tiếp đến, vỏ sầu riêng và vỏ chuối đã được xay nhuyễn trên trộn với đất sét và mùn cưa lần lượt theo tỷ lệ khối lượng là 7:1:1:1.
Hỗn hợp trên sẽ được đưa vào khuôn ép để tạo hình than tổ ong. Sau khi được ép tạo hình, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng được phơi khô trong 10 ngày sẽ cho ra thành phẩm.
Qua thực nghiệm của Nhóm nghiên cứu, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng (đường kính 10,4 cm, cao 5,3 cm) có thể cháy liên tục trong 45 phút (than bùn cùng kích thước có thể cháy trong 60 phút).
Tuy thời gian cháy ít hơn, nhưng than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng có khả năng bắt lửa nhanh hơn so với than bùn, than đước…
Hiệu suất tỏa nhiệt của than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng đạt xấp xỉ từ 80% - 90% so với than tổ ong làm từ than bùn cùng kích thước. Than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng khi đốt ít gây độc hại, đặc biệt là khí độc CO.
Do đó, loại than có thành phần tự nhiên này không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và góp phần bảo vệ môi trường.
Các viên than tổ ong từ vỏ sầu riêng đầu tiên được Nhóm nghiên cứu gửi đến người dân dùng thử và được đánh giá cao về khả năng tỏa nhiệt, cũng như tính thân thiện với môi trường.
ĐƯA BÀI HỌC VÀO THỰC TIỄN
Việc trực tiếp tham gia nghiên cứu đề tài khoa học - kỹ thuật với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên bộ môn, các học sinh trong Nhóm nghiên cứu đã được học thêm nhiều điều mới, bổ ích cho kiến thức của mình.
Em Trần Ngọc Cần, học sinh lớp 12.A1 cho biết: “Em rất hứng thú khi tham gia nghiên cứu đề tài này. Vì ngoài việc tìm ra cách tạo thêm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của huyện nhà, em còn có cơ hội thấy được ứng dụng thực tiễn của các kiến thức mà mình được học. Qua đề tài, em biết được rằng khi biết cách áp dụng thì những kiến thức mà mình được học đều có tính ứng dụng chứ không chỉ là những con số khô khan”.
Bên cạnh ưu điểm về chất lượng, than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng được làm từ nguồn nguyên liệu dễ tìm (có sẵn tại địa phương), thời gian sản xuất ngắn nên giá thành sản xuất thấp và hiệu suất đạt được rất cao khi đầu tư sản xuất với quy mô lớn.
Do đó, khi đề tài được đầu tư thương mại hóa sẽ có triển vọng lớn, với giá cả cạnh tranh so với các loại than phổ biến hiện nay như than bùn, than đước…
Đề tài than tổ ong làm từ vỏ sầu riêng của Nhóm nghiên cứu có hiệu quả thiết thực, có tính ứng dụng cao, góp phần tạo thêm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, cũng như giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 - 2019).
Trước đó, Nhóm nghiên cứu cũng đã đạt được giải thưởng ở các Hội thi dành cho học sinh THPT cấp tỉnh, với các đề tài như: Hệ thống chưng cất giá rẻ; nghiên cứu sản xuất cồn nhãn; làm tinh dầu từ cần dày lá…
Theo thầy Huỳnh Minh Huy, trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng đề tài để có thể sản xuất thêm các sản phẩm than làm từ vỏ mít và cùi bắp để tăng tính ứng dụng của đề tài.
CAO THẮNG