Thứ Ba, 07/01/2020, 21:49 (GMT+7)
.

Đã đến lúc bạn thay đổi mạng Wi-Fi ở nhà để sống tốt hơn

Nếu sóng Wi-Fi không thể phủ mọi ngóc ngách trong nhà, giải pháp tối ưu nhất là trang bị hệ thống Wi-Fi mesh (Wi-Fi lưới).

Thời gian gần đây, Wi-Fi mesh là cụm từ được nhắc đến khá nhiều khi nhu cầu sử dụng Wi-Fi ngày càng tăng. Những lợi ích được đưa ra khi sử dụng Wi-Fi mesh: phạm vi phủ sóng rộng hơn, kết nối dễ dàng...

Vậy Wi-Fi mesh là gì, ưu nhược điểm như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết.

Hệ thống Wi-Fi mesh gồm 2 hay nhiều thiết bị, gồm một router chính và các thiết bị phát sóng phụ. (Ảnh: The Verge).
Hệ thống Wi-Fi mesh gồm 2 hay nhiều thiết bị, gồm một router chính và các thiết bị phát sóng phụ. (Ảnh: The Verge).

Mạng Wi-Fi mesh là gì?

Về cơ bản, Wi-Fi mesh là hệ thống gồm 2 hay nhiều thiết bị, gồm một router chính và một, 2 hay nhiều thiết bị phụ hoạt động để tạo ra một tên mạng Wi-Fi duy nhất phủ kín khắp nhà. Khi di chuyển từ tầng trệt lên lầu, bạn không cần phải kết nối lại với những cục model nào gần hơn để có mạng mạnh. Mesh sẽ làm việc đó thay bạn và giúp căn nhà gần như không có điểm chết sóng Wi-Fi. Việc trang bị một hệ thống Wi-Fi mesh đủ mạnh cũng giúp các thiết bị smarthome vận hành tốt hơn, giảm thiểu độ trễ.

Wi-Fi mesh đã xuất hiện được khá lâu. Eero là công ty đầu tiên giới thiệu hệ thống Wi-Fi mesh cho người dùng phổ thông vào năm 2016. Tháng 3-2019, Eero được Amazon thâu tóm nhưng vẫn hoạt động độc lập.

Sau Eero, nhiều công ty lớn trong lĩnh vực thiết bị mạng như Netgear, Linksys, TP-Link... cũng giới thiệu hệ thống Wi-Fi mesh của riêng mình, giá bán cũng dễ chịu hơn cho người dùng cuối.

Nếu ngôi nhà có những đặc điểm sau, đã đến lúc bạn cân nhắc trang bị hệ thống Wi-Fi mesh:

  • Diện tích lớn hơn 250m2.
  • Thiết kế phòng đặc biệt (dạng chữ L,...).
  • Các phòng ngăn cách bởi tường dày.
  • Có nhà tiếp khách riêng, phòng tách biệt hoặc các khu vực không tiện đi dây mạng.

Lợi ích của Wi-Fi mesh

So với bộ mở rộng Wi-Fi, Wi-Fi mesh thiết lập dễ dàng hơn, không đòi hỏi nhiều tên mạng. Những gì người dùng cần chỉ là cắm điện rồi làm theo hướng dẫn trong ứng dụng do nhà sản xuất cung cấp. Bên cạnh dễ thiết lập, quản lý hệ thống Wi-Fi mesh cũng không phức tạp như bộ mở rộng Wi-Fi.

Đây là những lý do bạn nên trang bị Wi-Fi mesh:

Vùng phủ sóng rộng hơn

Tín hiệu Wi-Fi thường mạnh nhất khi đặt router giữa nhà. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đặt router ở nơi dây mạng đi vào (thường là cửa sổ góc nhà), do đó một nửa tín hiệu Wi-Fi lại phủ sóng... ngoài ngôi nhà khiến tốc độ tại một số nơi trong nhà sẽ rất yếu, đôi khi không thể kết nối (còn gọi là "vùng chết").

Với Wi-Fi mesh, các thiết bị sẽ phát lại tín hiệu Wi-Fi gốc trong một tên mạng duy nhất mang lại vùng kết nối rộng hơn cho người sử dụng.

Tốc độ ổn định

Router Wi-Fi truyền thống chỉ có thể phát tín hiệu tối đa ở khoảng cách nhất định. Nếu kết nối ở khoảng cách xa hơn, tín hiệu sẽ yếu đi đồng nghĩa tốc độ cũng kém hơn.

Với hệ thống Wi-Fi mesh đặt khắp nhà, bạn sẽ không còn gặp tình trạng giảm tốc độ vì dù kết nối ở bất cứ đâu, chúng vẫn nằm trong phạm vi các thiết bị gần đó.

(Theo khoahoc.tv)

.
.
.