Thứ Ba, 10/03/2020, 23:17 (GMT+7)
.

Dịch COVID-19: Người dân nên cảnh giác thông tin thất thiệt trên mạng

Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng giống sự lây lan của virus, bởi nó tác động trực tiếp đến người dùng bởi vậy người dân cần cảnh giác thông tin thất thiệt.

Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, không chỉ có báo chí, các trang thông tin điện tử phát triển nhanh chóng. Người dùng đang rất ưa thích mạng xã hội và các trang cá nhân cũng gia tăng chóng mặt.

Một trong những thông tin sai lệch trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh chụp màn hình)
Một trong những thông tin sai lệch trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh chụp màn hình)

Có nhiều người ví, mạng xã hội và các trang cá nhân như là "siêu quyền lực." Điều này cũng giúp ích rất nhiều cho đời sống nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ.

Điển hình như ngày 6/3 và những ngày sau khi Hà Nội công bố có một phụ nữ dương tính với virus SARS-CoV-2, chỉ sau vài giờ, thậm chí vài phút, thông tin đã xuất hiện rầm rộ, tràn lan.

Nhiều thông tin thực hư lẫn lộn, thông tin trái chiều, tin giả lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự xử lý chưa nghiêm và ý thức vì cộng đồng chưa cao từ mạng xã hội đã gây ảnh hưởng đến tâm lý nhiều người dân, thậm chí có lúc khiến một số người rối bời, hoảng loạn.

Nhiều người mất ăn, mất ngủ, thức trắng cả đêm đọc mạng, nhắn tin, lùng sục mua gom hàng hóa tích trữ. Một hiện tượng cho thấy sự lan truyền của mạng xã hội tác động đến tâm lý khiến nhiều gia đình sốt sắng về quê ngay trong đêm.

Đây là việc làm tối kỵ trong phòng dịch, vì mầm mống, nguy cơ lây lan dịch diện rộng rất cao và càng khó kiểm soát, dẫn tới không an toàn cho mỗi gia đình và cộng đồng.

Có người ví, một chủ tài khoản cá nhân chẳng khác nào một phóng viên, biên tập viên "kiêm" tổng biên tập. Thậm chí nhiều sự việc diễn ra, trang cá nhân lan tỏa rất sớm và nhanh hơn báo chí. Vì vậy không thể phủ nhận vai trò của trang cá nhân rất quan trọng trong thời đại hiện nay.

Nếu nhận thức đầy đủ vấn đề này, mỗi người có ý thức giữ gìn môi trường mạng, không "vứt tin rác" sẽ có tác dụng làm ổn định tình hình, giúp cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chống dịch, những biện pháp, cách thức phòng dịch của Bộ Y tế đến được với nhiều người hơn. Mỗi người hiểu đúng sẽ hành động đúng ngay tại nơi mình ở và làm việc.

Trong buổi làm việc và kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 tại quận Ba Đình sáng 10-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đề cao vai trò, công tác truyền thông, giúp nhiều người dân hiểu sớm và chuẩn xác về những chủ trương chính sách của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết đã giao các cơ quan chức năng và Ban Tuyên giáo Thành ủy xây dựng những phương án, kế hoạch tuyên truyền trên địa bàn Thủ đô và Thành ủy sẽ ban hành trong thời gian sắp tới.

Liên quan lĩnh vực này, nhà báo Vũ Hà, báo Hà Nội mới chia sẻ: "Chúng tôi là phóng viên theo dõi mảng Nội chính đã nhiều năm. Mỗi thông tin chính thống về những vấn đề nóng, phóng viên luôn tìm mọi cách, kể cả đêm khuya cũng cố gắng để chuyển tải chuẩn xác nhất, nhằm đưa đến cho độc giả những thông tin chân thật, kịp thời. Tuy nhiên, nhiều khi thông tin chưa kịp đến với độc giả thì đã xuất hiện những thông tin thiếu chuẩn xác trên mạng xã hội."

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Biên tập, Báo Điện tử Quân đội Nhân dân cho biết, dịch COVID-19 thực sự đang có những diễn biến rất phức tạp, một số người dân đã hoang mang, lo lắng. Thế nhưng ở trong một không gian khác trên mạng xã hội, người dân cũng lo sợ vì những thông tin không có thật.

Các chuyên gia an ninh mạng đã cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến người dùng. Do đó, để chung tay chống lại dịch COVID-19, mỗi người dân nên cảnh giác với những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội.

(Theo TTXVN)

.
.
.