.

Nhìn ánh sáng đỏ ba phút mỗi ngày cải thiện đáng kể thị lực

Cập nhật: 16:08, 05/07/2020 (GMT+7)
Nhìn tập trung vào ánh sáng đỏ trong ba phút mỗi ngày có thể cải thiện đáng kể thị lực cho những người bị lão hóa, một nghiên cứu mới do Đại học London (UCL) dẫn đầu cho thấy.
 
Theo bài báo được công bố trên Tạp chí Lão khoa, các nhà khoa học tin rằng phát hiện này có thể báo hiệu buổi bình minh của các liệu pháp mới điều trị mắt tại nhà với giá cả phải chăng, giúp hàng triệu người trên toàn cầu đang có thị lực giảm sút do lão hóa có thể cải thiện thị lực.
 
Ở Anh hiện có khoảng 12 triệu người trên 65 tuổi. Trong 50 năm tới, con số này sẽ tăng lên khoảng 20 triệu và tất cả sẽ bị suy giảm thị lực ở mức độ nhất định do lão hóa võng mạc.
 
a
Cận cảnh mắt khi nhìn vào ánh sáng đỏ. Ảnh: UCL.
Tác giả chính, Giáo sư Glen Jeffery (Viện nhãn khoa UCL) cho biết: “Khi bạn già đi, hệ thống thị giác của bạn suy giảm đáng kể, đặc biệt là khi trên 40 tuổi”.
 
Sự nhạy cảm võng mạc và tầm nhìn màu sắc của bạn đang dần bị suy yếu, và với dân số già, đây là một vấn đề ngày càng quan trọng.
 
“Để cố gắng ngăn chặn hoặc đẩy lùi sự suy giảm này, chúng tôi đã tìm cách khởi động lại các tế bào lão hóa của võng mạc bằng những chùm ánh sáng dài”, Giáo sư nói.
 
Ở người trên 40 tuổi, các tế bào trong võng mạc của mắt bắt đầu lão hóa và tốc độ của sự lão hóa này được gây ra, một phần là do ty thể của tế bào vốn có vai trò tạo ra năng lượng (được gọi là ATP) và tăng cường chức năng tế bào, cũng bắt đầu suy giảm.
 
Mật độ ty thể lớn nhất trong các tế bào cảm quang của võng mạc, có nhu cầu năng lượng cao. Kết quả là, võng mạc già đi nhanh hơn các cơ quan khác, với mức giảm 70% phân tử mang năng lượng ATP trong suốt cuộc đời.
 
Các nhà nghiên cứu đã phát triển nghiên cứu dựa trên những phát hiện trước đây của họ ở chuột, ong vò vẽ và ruồi giấm. Tất cả đều tìm thấy những cải thiện đáng kể trong chức năng của các tế bào cảm quang của võng mạc khi mắt của chúng tiếp xúc với ánh sáng đỏ sâu 670 nanomet (bước sóng dài).
 
Quần thể tế bào cảm quang của võng mạc được hình thành từ tế bào hình nón để điều hòa tầm nhìn màu sắc và tế bào hình que cung cấp tầm nhìn ngoại vi và tầm nhìn thích ứng trong ánh sáng yếu, mờ.
 
Trong nghiên cứu, 24 người gồm 12 nam, 12 nữ, trong độ tuổi từ 28 đến 72, không bị bệnh về mắt, đã được tuyển dụng. Mắt của tất cả người tham gia đã được kiểm tra độ nhạy của tế bào hình que và hình nón khi bắt đầu nghiên cứu. 
 
Độ nhạy của tế bào hình que được đo bằng cách yêu cầu người tham gia phát hiện tín hiệu ánh sáng mờ trong bóng tối và chức năng hình nón được kiểm tra khi các đối tượng xác định chữ màu có độ tương phản rất thấp và xuất hiện ngày càng mờ, quá trình gọi là độ tương phản màu.
 
Tất cả những người tham gia sau đó được tặng một đèn pin LED nhỏ mang về nhà và được yêu cầu nhìn vào chùm ánh sáng 670nm màu đỏ đậm của nó trong ba phút mỗi ngày trong hai tuần. Sau đó, họ đã được kiểm tra lại về độ nhạy của tế bào hình que và hình nón.
 
Kết quả cho thấy, ánh sáng 670nm không có tác động ở những người trẻ tuổi, nhưng ở những người khoảng 40 tuổi trở lên đã có những cải thiện đáng kể.
 
Độ nhạy tương phản màu sắc của tế bào hình nón (khả năng phát hiện màu sắc) được cải thiện tới 20% ở một số người từ 40 tuổi trở lên. 
 
Độ nhạy của tế bào hình que (khả năng nhìn trong ánh sáng yếu) cũng được cải thiện đáng kể ở những người ở độ tuổi từ 40 trở lên, mặc dù ít hơn độ tương phản màu.
 
Giáo sư Jeffery cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có thể cải thiện đáng kể thị lực đã suy giảm ở những người già bằng cách sử dụng phơi sáng ngắn đơn giản cho các bước sóng ánh sáng nạp lại hệ thống năng lượng đã suy giảm trong các tế bào võng mạc”.
 
Công nghệ này đơn giản và rất an toàn, sử dụng ánh sáng đỏ đậm có bước sóng cụ thể, được hấp thụ bởi ty thể trong võng mạc cung cấp năng lượng cho chức năng tế bào.
 
Thiết bị có giá khoảng 12 bảng Anh (tương đương 350 nghìn đồng), vì vậy công nghệ này rất dễ tiếp cận với mọi người dân trong cộng đồng.
 
(Theo nhandan.com.vn)
.
.
.