Thứ Ba, 21/07/2020, 17:56 (GMT+7)
.

Sản xuất thịt gà nhờ công nghệ in 3D

Với kế hoạch trở thành “nhà hàng của tương lai”, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh KFC đang hợp tác với công ty 3D Bioprinting Solutions của Nga để sản xuất một loại thịt gà từ trong phòng thí nghiệm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, dựa trên việc sử dụng công nghệ in 3D sinh học, KFC kỳ vọng có thể đưa ra một dây chuyền có khả năng "in" món gà viên từ các tế bào của gà và nguyên liệu thực vật. KFC sẽ cung cấp cho 3D Bioprinting Solutions các loại nguyên liệu như bột bánh và gia vị, với mong muốn tìm cách tái tạo lại những hương vị đặc trưng của món gà này.

Theo nghiên cứu của Tạp chí Công nghệ và Khoa học Môi trường Mỹ, thịt gà viên được sản xuất theo công nghệ in sinh học sẽ thân thiện với môi trường hơn các loại thịt gà thông thường. Sản xuất thịt từ tế bào được cho là sẽ giảm thiểu khí thải nhà kính cũng như thiết kiệm nhiên liệu hơn so với những phương pháp chăn nuôi và giết mổ thông thường.

Nhà đồng sáng lập 3D Bioprinting Solutions, ông Yusef Khesuani, cho biết công nghệ in 3D sinh học hiện đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp dược phẩm và đang dần bước sang thị trường sản xuất thực phẩm.

Theo ông Khesuani, việc tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ này sẽ giúp con người có thể dễ dàng sản xuất các loại thịt bằng công nghệ in 3D. Ông Khesuani hy vọng sự hợp tác với KFC sẽ giúp thế giới sớm được trải nghiệm sản phẩm thịt nhân tạo đầu tiên sản xuất từ tế bào.

Trước đó, Redefined Meat, công ty chuyên cung cấp các sản phẩm thịt thay thế của Israel, đã giới thiệu món bò bít tết có nguồn gốc từ thực vật, được in 3D đầu tiên trên thế giới. Món bò chay mang tên Alt-Steak được chế tạo từ protein của đậu nành và đậu Hà Lan, chất béo từ dừa và dầu hướng dương. Đây là sản phẩm sử dụng công nghệ in 3D với kết cấu, hình thức và hương vị giống hệt thịt bò thật. 

Dù phức tạp và tốn nhiều công sức nhưng công nghệ in 3D sinh học đang có những bước tiến đáng kể trong ngành y học. Mới đây, các nhà nguyên cứu tại Đại học UC Berkeley ở California (Mỹ) đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ in 3D các cơ quan nội tạng của con người để phục vụ cho việc cấy ghép.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa thì công nghệ in 3D sinh học mới có khả năng chế tạo ra được những cơ quan nội tạng đủ điều kiện để sử dụng cho bệnh nhân cần phẫu thuật cấy ghép.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
Liên kết hữu ích
.