Nước biển ấm lên làm đứt gãy chuỗi thức ăn trong lòng đại dương
Mạng lưới thức ăn dưới đại dương sẽ trở nên mất cân bằng do nhiệt độ nước biển tăng lên khiến nhiều loài thực vật phát triển trong khi các loài sinh vật không xương sống suy giảm số lượng.
Các nhà khoa học Australia đã cảnh báo rằng hệ sinh thái đại dương đang bên bờ vực sụp đổ do nước biển tăng lên.
Nhiều loài sinh vật không xương sống trong đại dương sẽ bị suy giảm số lượng do nước biển ấm lên. (Nguồn: skepticalscience.com) |
Trong một nghiên cứu được công bố của nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide đã phát hiện các bằng chứng ngày càng rõ ràng về nguy cơ hệ sinh thái sẽ không kịp thích nghi với mức tăng nhiệt độ nước biển do tình trạng ấm lên toàn cầu gây ra.
Nhóm nghiên cứu, do chuyên gia Ivan Nagelkerken tại Viện Môi trường thuộc Đại học Adelaide đứng đầu, đã tái tạo một hệ sinh thái ven biển tại Viện Nghiên cứu và phát triển Nam Australia (SARDI) và đặt ra giả thiết về sự axit hóa và ấm lên của đại dương.
Các chuyên gia đã phát hiện khả năng nhiệt độ đại dương tăng lên trong tương lai gần có tác động nghiêm trọng tới các loài sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn dưới đại dương như cá.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mạng lưới thức ăn dưới đại dương sẽ trở nên mất cân bằng do nhiệt độ nước biển tăng lên, với việc ngày càng nhiều loài thực vật phát triển trong khi các loài sinh vật không xương sống suy giảm số lượng.
Điều này khiến "sức khỏe" và năng lực chống chịu của hệ sinh thái đại dương suy yếu, trừ khi các loài vật có thể biến đổi gene để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ đại dương trong tương lai.
Chuyên gia Nagelkerken nhấn mạnh mạng lưới thức ăn bền vững có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái, vì nhờ nó mà thế giới đại dương có thể tiếp tục cung cấp nguồn thực phẩm cần thiết cho con người.
Trong khi đó, đồng tác giả nghiên cứu Sean Connell nhận định khi kết cấu mạng lưới thức ăn không thể hòa hợp, hệ sinh thái sẽ mất khả năng thích nghi với điều kiện môi trường thay đổi và dẫn đến sụp đổ.
(Theo TTXVN)