Thứ Tư, 05/08/2020, 11:25 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Đảm bảo an toàn điện trong xông đèn thanh long

 (ABO) Để khắc phục tình trạng mất an toàn về điện gây chết người, hư hại tài sản của người dân và của ngành Điện, hằng năm Tổng công ty Điện lực miền Nam đều chỉ đạo các Công ty Điện lực thành viên tăng cường kiểm tra, bảo vệ mạng lưới điện, khuyến cáo người dân sử dụng điện đúng cách để tránh tai nạn đáng tiếc về điện, đặc biệt là trong xông đèn thanh long.
 

AN TOÀN ĐỂ SẢN XUẤT

Nhận được điện thoại của ông Phạm Văn Hiếu (ấp Quang Phú, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) báo CB (thiết bị có chức năng đóng ngắt mạch điện) điện của vườn thanh long bị hở, Điện lực Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đã cử ngay cán bộ điện lực trực tiếp đến kiểm tra. Sau khi kiểm tra CB điện ở vườn thanh long của ông Hiếu, cán bộ Điện lực Chợ Gạo Trần Văn Hoàng cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy, CB điện của vườn ông Hiếu bình thường. Khi nhận được điện thoại của người dân báo về tình trạng điện gặp sự cố trong sinh hoạt hay xông đèn thanh long, nhân viên trong ngành Điện đều nhanh chóng đến kiểm tra ngay; hạn chế thấp nhất những trường hợp đáng tiếc xảy ra”. Không chỉ kiểm tra CB điện của vườn ông Hiếu, cán bộ Điện lực Chợ Gạo còn trực tiếp kiểm tra tất cả các bình điện của các hộ xông thanh long trong ấp.
 

Cán bộ Điện lực Chợ Gạo trực tiếp kiểm tra các bình điện của người dân trồng thanh long ở ấp Quang Phú, xã Quơn Long.
Cán bộ Điện lực Chợ Gạo trực tiếp kiểm tra các bình điện của hộ dân trồng thanh long ở ấp Quang Phú, xã Quơn Long.

Chú Trương Công Thành (xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) đang canh tác hơn 1.200 cây thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Chú Thành cho biết: “Tôi hạ bình điện xông thanh long cũng mấy năm rồi; điện xông thanh long những năm gần đây rất ổn định. Nhờ Điện lực Chợ Gạo khuyến cáo, gia đình tôi đã sử dụng bóng đèn compact thay cho bóng đèn tròn để xông thanh long, vừa an toàn vừa tiết kiệm điện. Trong quá trình sử dụng điện để xông thanh long, ngành Điện đều có quy trình hướng dẫn cụ thể, giúp cho người dân an tâm”.

Phó Giám đốc Điện lực Chợ Gạo Nguyễn Ngọc Thanh cho biết: “Để thanh long ra trái theo ý muốn, các nhà vườn dùng đèn điện để xông. Các nhà vườn thường dùng dây dẫn có nhiều đoạn nối lại với nhau, không được băng cách điện kỹ lưỡng, kéo điện từ cầu dao chính sau điện kế đến vườn thanh long. Dây dẫn được kéo dài trên đường đi hoặc gác tạm trên cây, bóng đèn được hàn trực tiếp vào dây dẫn (không có đuôi đèn) bằng cách ghim xuyên vào lõi dây điện. Dùng phương pháp xông thanh long như vậy rất nguy hiểm. Vì thế, Điện lực Chợ Gạo đã xóa hết đường dây điện mất an toàn; phát hơn 380 ngàn mấu nối bóng đèn cho người dân xông đèn thanh long; thường xuyên sửa chữa, thay mới các đường dây trung thế và hạ thế…”.

Chính vì thế, người dân ngày càng ý thức hơn về an toàn điện trong sinh hoạt cũng như trong xông đèn thanh long; cũng như ngày càng tăng sự gắn kết giữa ngành Điện với người dân để được giải quyết mọi vướng mắc cũng như thắc mắc, khó khăn của người dân. Qua đó cho thấy, việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân là việc làm rất hữu ích cho xã hội và sự an toàn trong lao động của người dân; tăng thêm sự tin tưởng của người dân vào chất lượng phục vụ của ngành Điện và các cơ quan ban, ngành có liên quan.

CHỦ ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN CÁC GIẢI PHÁP

Để đảm bảo nguồn điện an toàn, liên tục, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng điện của nhân dân trong tỉnh, ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phòng chuyên môn thực hiện tốt việc vận hành cung cấp điện, kế hoạch sửa chữa, cũng như "cấy" trạm để giảm bớt bán kính cung cấp điện, chống quá tải dây dẫn, đảm bảo các trạm biến áp trung gian hoạt động ổn định, hiệu quả.

Cụ thể là tuyên truyền, khuyến cáo cho các hộ trồng thanh long sử dụng mối nối an toàn bóng đèn chuyên dùng (compact 20 W) để vừa đảm bảo an toàn sản xuất, tuổi thọ cao và tiết kiệm điện; không được dùng ghim thép, đinh ghim xuyên vào lõi dây dẫn điện để cấp điện cho bòng đèn. Cột điện sử dụng là cột bê tông cốt thép, cột bê tông ly tâm, cột gỗ nhưng phải xử lý chống mối mọt, được chôn chắc chắn.

Sử dụng dây dẫn điện từ sau CB đến vườn thanh long dùng dây bọc cách điện, tiết diện phù hợp với công suất, cố định trên trụ phải được gắn trên sứ cách điện và thực hiện việc đấu nối dây dẫn đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành Điện. Không được hàn trực tiếp bóng đèn vào dây dẫn. Bóng đèn phải được nối vào đuôi đèn, sau đuôi đèn có 2 đầu dây để đấu vào dây dẫn điện.
 

Cán bộ ngành điện tuyên truyền cảm nang sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đến từng người dân.
Cán bộ ngành Điện tuyên truyền cẩm nang sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đến từng người dân.

Về thiết bị đóng ngắt điện, người dân nên lựa chọn loại CB có chức năng chống giật, chống rò điện. Trước mỗi lần đóng điện để xông thanh long, người dân phải kiểm tra kỹ về an toàn điện đường dây, nếu có hư hỏng thì phải sửa chữa ngay, kiểm tra chắc chắn không có người trong khu vực chuẩn bị đóng điện. 

Khi sử dụng điện phải kéo đủ dây pha (dây nóng) và dây trung tính (dây nguội). Người dân không rãi dây dẫn điện dưới đất, dưới nước, âm dây trong đất bằng dây thông thường hoặc gác dây dẫn trên cây xanh, cây tạm bợ, cây thanh long, hàng rào. Người dân nên làm hàng rào xung quanh vườn thanh long; đặt biển báo cảnh báo “nguy hiểm, không được vào vườn thanh long, có lưới điện đang vận hành” tại vườn thanh long khi lưới điện đang vận hành.

Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Công ty Điện lực Tiền Giang Phan Nguyên Tùng cho biết: “Bên cạnh đó, Công ty Điện lực còn phát cẩm nang sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đến từng hộ gia đình. Trong cẩm nang hướng dẫn cụ thể những việc nên làm và không nên làm khi sử dụng điện; các hành vi bị nghiêm cấm, cũng như các cách khắc phục sự cố về điện. Đồng thời, ngành Điện luôn khuyến cáo người dân chọn mua và sử dụng các mô tơ điện có thương hiệu, chất lượng, tiếp đất an toàn vỏ mô tơ điện, thường xuyên kiểm tra để phát hiện, sửa chữa kịp thời các mô tơ bị chạm điện ra vỏ nhằm đề phòng các tai nạn điện; lắp đặt thêm cầu dao tự động chống điện giật; phải cắt cầu dao hoặc CB khi sửa chữa dây dẫn hoặc mô tơ điện…”.
 

LÊ PHƯƠNG

.
.
.