Mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Khoảng 10 năm trở lại đây, dưa lưới là trái cây dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Tiền Giang. Đặc biệt, những năm gần đây, dưa lưới đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh kế cao cho không ít hộ nông dân tỉnh nhà.
Thành công này có sự đóng góp lớn từ hoạt động chuyển giao công nghệ của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang (viết tắt là Trung tâm).
Kỹ sư Nguyễn Quốc Trung giới thiệu giống dưa lưới vỏ vàng vừa được trồng thành công tại Trung tâm. |
CHUYỂN GIAO MÔ HÌNH MỚI
Từ năm 2016, Trung tâm đã tiến hành chuyển giao và nhân rộng các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học để canh tác rau ăn lá, rau ăn quả đến với bà con nông hộ và doanh nghiệp trong tỉnh Tiền Giang; trong đó có mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng bằng hệ thống tưới nhỏ giọt ở các huyện Chợ Gạo, Cái Bè và TP. Mỹ Tho.
Theo kỹ sư Nguyễn Quốc Trung, cán bộ phụ trách về chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới của Trung tâm, mặc dù mang hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao; tuy nhiên, hầu hết các nông hộ nhận chuyển giao đã nắm vững các nội dung chuyển giao về kỹ thuật, những vấn đề cần lưu ý của quy trình canh tác dưa lưới, tiến tới làm chủ được quy trình kỹ thuật.
Kết quả, dưa lưới thu hoạch tại các mô hình đạt năng suất cao, lưới đều, đẹp, tỷ lệ trái đạt loại 1 (trọng lượng trái trung bình từ 1,2kg trở lên) đạt trên 90%. Quy trình canh tác dưa lưới trong nhà màng là quy trình chuyển giao được người dân đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, khả năng thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà màng nhanh (khoảng 2,5 năm).
Cụ thể, xét về hiệu quả kinh tế, việc trồng dưa lưới đạt tỷ suất lợi nhuận trên 50% so với chi phí trực tiếp. Chi phí sản xuất trực tiếp dưa lưới khoảng 40.000 đồng/m2, bao gồm cây giống, dinh dưỡng, nước tưới, giá thể, công lao động… Lợi nhuận sẽ thu được từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng/m2 trong vòng 2,5 tháng, như vậy với 4 vụ dưa trong 1 năm, mỗi m2 đất có thể cho lợi nhuận từ 100.000 đồng đến 160.000 đồng.
Nắm bắt thời cơ, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình canh tác mới và đã thành công với mô hình sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, phải kể đến hộ ông Ngô Hữu Nguyền, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo. Năm 2016, với diện tích ban đầu khi xây dựng mô hình là 400 m2, năng suất bình quân đạt 0,95 tấn cho mỗi vụ kéo dài 2,5 tháng, giá bán 26.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, ông Nguyền thu lợi nhuận 38,8 triệu đồng/năm. Hiện tại, tổng diện tích canh tác dưa lưới của hộ ông Nguyền đã mở rộng ra khoảng 3.500 m2.
TP. MỸ THO NẮM CƠ HỘI CHO NÔNG DÂN
Từ thực tế hiệu quả kinh tế của cây dưa lưới, UBND TP. Mỹ Tho đặt hàng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang chuyển giao, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong nhà màng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của thành phố.
Trong 2 năm 2017 và 2018, Trung tâm đã thực hiện chuyển giao quy trình thực hiện Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân TP. Mỹ Tho. Ông Nguyễn Văn Ba ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho là nông dân tham gia mô hình canh tác dưa lưới ngay từ năm đầu triển khai, với diện tích nhà màng ban đầu 550 m2 và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cho canh tác cây dưa lưới. Trong năm đầu, với năng suất đạt 1,5 tấn, giá bán 26.000 đồng/kg, trừ các chi phí, ông Ba thu được 60 triệu đồng lợi nhuận. Hiện tại, tổng diện tích canh tác dưa lưới của gia đình ông Ba mở rộng lên khoảng 850 m2.
Thời gian qua, TP. Mỹ Tho đã tuyên truyền rộng rãi trong nông dân về mô hình sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường. Đến nay, có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến mô hình sản xuất này; đồng thời, nhận chuyển giao và đưa vào sản xuất.
Theo lãnh đạo Trung tâm, hiện tại TP. Mỹ Tho có nhiều hộ trồng dưa lưới hiệu quả. Trong đó, có hộ ông Nguyễn Văn Gẩm ở ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh đầu tư 1.000 m2 dưa lưới khắc hình; hộ Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, cũng ở ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, canh tác 2.000 m2 dưa lưới...Giá dưa lưới hiện nay dao động từ 32.000 đồng - 35.000 đồng/kg.
Theo tính toán của các hộ, chi phí để sản xuất ra 1 kg sản phẩm là 20.000 đồng, bán với giá 32.000 đồng, người dân lãi 12.000 đồng/kg, so sánh với các loại rau, quả khác thì lợi nhuận khá cao.
Kỹ sư Nguyễn Quốc Trung cho biết thêm, bên cạnh giống dưa lưới vỏ xanh ruột vàng được phát triển từ năm 2014 và triển khai cho nông dân, hiện tại Trung tâm đã trồng thử nghiệm thành công giống dưa lưới vỏ vàng, ruột màu xanh nhạt. Đây là giống dưa xuất xứ từ Hà Lan, chất lượng quả ngon, đẹp mắt và rất thích hợp trồng trong vụ dưa tết. Trung tâm sẽ cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho những nông dân có nhu cầu.
THỦY HÀ