.
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ XI ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG

Khoa học công nghệ - động lực cho sự phát triển

Cập nhật: 14:11, 28/09/2020 (GMT+7)

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) ở tỉnh Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực, khẳng định vị trí, vai trò tiên phong trong việc chuyển tải hiệu quả ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống.

ỨNG DỤNG TRONG NHIỀU LĨNH VỰC

Giai đoạn 2016 - 2020, Sở KH&CN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động 52 ngày 22-1-2020 thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với tình hình địa phương.

Với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, năm 2019, trái sầu riêng Cai Lậy được công nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”.
Với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, năm 2019, trái sầu riêng Cai Lậy được công nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy”.

Giám đốc Sở KH&CN Dương Văn Bon cho biết, trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, hoạt động KH&CN của tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Điểm nhấn là ngành đã tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của tỉnh theo chuỗi giá trị trong tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Đặc biệt, ngành KH&CN còn hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Phần lớn các nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu đưa vào ứng dụng bước đầu đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo Sở KH&CN, đối với công tác sở hữu trí tuệ, có 500 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; hơn 10 sáng chế được cấp bằng độc quyền sáng chế; 20 kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Mặt khác, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành KH&CN đã tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao thương hiệu, giá trị kinh tế hàng hóa của tỉnh.

Sở KH&CN đã thực hiện hỗ trợ cho 14 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, 11 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (kết quả có 1 Giải Vàng và 10 Giải thưởng Chất lượng Quốc gia); hỗ trợ phát triển 6 doanh nghiệp KH&CN.

Quỹ Phát triển KH&CN thực hiện giải ngân cho vay 17 doanh nghiệp với tổng số tiền cho vay hơn 81 tỷ đồng nhằm thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, tạo sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ kinh phí Trường Đại học Tiền Giang tổ chức 2 Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp sáng tạo” năm 2019 và năm 2020 với chủ đề “Khởi nghiệp để lập nghiệp”…

Có thể nói, ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất nông nghiệp là một trong những kết quả nổi bật của hoạt động KH&CN trong nhiệm kỳ.

Các kết quả nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đã thay đổi thói quen canh tác truyền thống dựa vào sức lao động và kinh nghiệm để khai khác tối đa năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Trên cơ sở đó, ở tỉnh đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn và có sự quản lý tốt, kiểm soát dịch bệnh.

Các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực y tế công cộng, dự phòng đã tập trung nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe của nhân dân. Hoạt động KH&CN trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp bước đầu cũng có những kết quả nhất định như:

Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn; áp dụng công cụ cải tiến, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; cơ giới hóa, công nghiệp hóa; bảo vệ tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậụ; các đề tài ứng dụng công nghệ cao…

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, hoạt động KH&CN đã góp phần trong nghiên cứu cơ sở lý luận văn hóa dân gian và các giá trị của nó, làm cơ sở bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh; tuyên truyền, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương hoặc làm tài liệu giảng dạy, nghiên cứu chính tại các trường văn hóa của tỉnh.

Ngoài ra, công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư vào tỉnh đã được quan tâm thực hiện; đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện dự án có công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế và cấm chuyển giao, công nghệ lạc hậu.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM CHỦ LỰC

Thực tế cho thấy, những năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng chủ yếu dựa trên vốn đầu tư và lao động. Trong thời gian tới, tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa ngày càng nhiều vào tăng năng suất lao động. Động lực tăng năng suất quan trọng nhất chính là KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành KH&CN cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, theo đồng chí Dương Văn Bon, thời gian tới, ngành KH&CN sẽ chủ động đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Ngành KH&CN sẽ thử nghiệm các giải pháp mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới… trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, cơ cấu lại hệ thống nhiệm vụ KH&CN nhằm phục vụ thiết thực các hướng trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số…, là một trong những mục tiêu mà ngành đang hướng tới.

Tới đây, ngành KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ việc hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới. Sở KH&CN sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trọng tâm là sản phẩm sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng chí Dương Văn Bon cho biết thêm, thời gian tới, ngành sẽ chủ động mở rộng có trọng điểm hợp tác trong và ngoài nước về KH&CN, thu hút công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của tỉnh để áp dụng có hiệu quả. Trong đó, ngành KH&CN sẽ tập trung hỗ trợ hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm chủ lực, đặc sản, làng nghề của tỉnh gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm…

M. THÀNH

.
.
.