.

Tiềm năng phát triển năng lượng sạch

Cập nhật: 10:22, 28/10/2020 (GMT+7)

Xã hội càng phát triển, nhu cầu sử dụng điện sẽ ngày càng tăng. Trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống đang dần cạn kiệt, việc tập trung khai thác năng lượng sạch từ ánh nắng và gió, là hướng đi cần thiết.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo, vô tận ở nước ta nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.

THIÊN NHIÊN ƯU ĐÃI

Tiền Giang được xác định là tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng sạch thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền, với chiều dài 120 km. Chưa kể, Tiền Giang có bờ biển dài 32 km chạy dọc theo 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông, với 2 hướng gió chính là Tây Nam và Đông Bắc, có tốc độ gió bình quân trong năm trong khu vực dao động khoảng 6,6 - 6,9 m/s, ở độ cao 104 m nên có rất nhiều tiềm năng để khai thác năng lượng gió.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đang được khuyến khích áp dụng.               Ảnh: TUẤN LÂM
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đang được khuyến khích áp dụng. Ảnh: TUẤN LÂM

Bên cạnh đó, Tiền Giang có nhiệt độ trung bình cao, khoảng 27,6oC, với lượng bức xạ mặt trời trong thời điểm lớn nhất là 548 calo/cm2/ngày và nhỏ nhất là 397 calo/cm2/ngày, cùng với điều kiện khí hậu tốt, địa hình bằng phẳng và rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt, động đất, sóng thần, nên rất thuận lợi phát triển năng lượng mặt trời, nhất là hệ thống điện mặt trời mái nhà.

ĐỊNH HƯỚNG KHAI THÁC

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, chẳng hạn như: Quyết định 2068 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam…

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng ban hành Quyết định 2023 phê duyệt chương trình phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 và nhiều thông tư hướng dẫn cùng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đang được khuyến khích áp dụng.               Ảnh: TUẤN LÂM
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đang được khuyến khích áp dụng. Ảnh: TUẤN LÂM

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, với sự quan tâm của các cấp chính quyền trong tỉnh, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức phổ biến về công nghệ điện mặt trời mái nhà. Vào tháng 12-2019, Sở Công thương thực hiện lắp đặt thí điểm mô hình hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở Sở Công thương, với công suất 11,84 kWp.

Tính đến cuối tháng 9-2020, toàn tỉnh có 1.000 tổ chức, hộ dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới, với tổng công suất lắp đặt khoảng 16.105 kWp; trong đó có 846 hộ gia đình, hộ kinh doanh với tổng công suất lắp đặt 5.532 kWp; 154 tổ chức, doanh nghiệp với tổng công suất lắp đặt 10.537 kWp.

Năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) là loại năng lượng trong quá trình sản sinh năng lượng không tạo ra những chất thải độc hại gây ảnh hưởng môi trường. Các nguồn năng lượng sạch này có sẵn trong thiên nhiên như: Năng lượng nước, năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Những loại năng lượng này không gây ô nhiễm và ít bị cạn kiệt.

Hiện có 2 nhà đầu tư được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận chủ trương cho lập 4 hồ sơ dự án nhà máy điện gió ở huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông, với tổng công suất 1.032 MW, để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030.

Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) Huỳnh Vân Anh cho biết, định hướng phát triển năng lượng sạch của tỉnh trong thời gian tới là ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài biển khu vực huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông; đồng thời, ưu tiên phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với hộ dân, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch; khuyến khích phát triển các nguồn điện từ rác thải, sinh khối theo quy hoạch kết hợp với bảo vệ môi trường và phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội…

LÊ MINH

.
.
.