Nhiều giống lúa của Việt Nam không hút asen
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Shefield, Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng, một nửa lượng gạo tiêu thụ ở Vương quốc Anh vượt quá "giá trị tiêu chuẩn của asen có thể cung cấp cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi" do Ủy ban châu Âu đặt ra. Để loại bỏ asen, nên luộc gạo trong nước sôi khoảng 5 phút, sau đó bỏ nước đi, thêm nước mới và đun ở nhiệt độ thấp.
Giống lúa Séng Cù nông sản đặc trưng của Lào Cai. |
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp cho hay, về nguyên lý, việc luộc gạo sau đó mới nấu sẽ làm asen tan vào nước và ra khỏi cơm trong quá trình chắt bỏ nước. Asen trong thực phẩm nói chung tồn tại dưới dạng hợp chất chứ không phải kim loại nên chúng dễ dàng tan trong nước. Tuy vậy, cách làm này không giữ được vitamin và các khoáng chất có trong gạo. Đun sôi trong vòng 5 phút, gần như các dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe sẽ mất hết, khi đó cơm đơn thuần chỉ còn lại là tinh bột, đường mà không có các dưỡng chất quý khác.
Một thông tin thú vị được PGS.TS Nguyễn Văn Hoan chia sẻ là ở Việt Nam, nhiều giống lúa bản địa thuộc nhiều địa phương không hút asen và kim loại nặng, dù được trồng ở vùng đất có asen. Tiêu biểu như ở Lào Cai là vùng đất có các mỏ apatit, có nhiều asen trong đất, nhưng giống lúa Séng Cù và giống Khẩu Xí Mần lại không hút asen. Còn ở các vùng trồng lúa như Đồng bằng Bắc Bộ hay Đồng bằng sông Cửu Long thì đất trồng không có asen.
Nhiều người còn rỉ tai nhau nấu cơm phải mở vung để thuốc trừ sâu (nếu có) sẽ bay hơi đi. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, đây là nhận thức rất sai lầm vì thuốc trừ sâu chỉ tồn tại 7 ngày từ lúc phun vào cây lúa, với hàm lượng phun cũng rất thấp. Ngoại trừ trường hợp sử dụng thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, còn thuốc đã có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật là an toàn. Và thuốc trừ sâu thì luôn bị phân hủy trong điều kiện nhiệt độ trên 40 độ C. Trong khi đó cây lúa được gặt về, phơi nắng khô, xay xát, vận chuyển… đến tay người dùng chắc chắn dài hơn thời gian đó.
Những thông tin về hàm lượng kim loại trong gạo hay hóa chất độc hại có trong gạo là hoàn toàn thiếu căn cứ. Gạo vẫn là một trong những lương thực sạch nhất, bổ dưỡng nhất.
(Theo khoahocdoisong.vn)