Sáng tạo của nhóm sinh viên chế biến nhựa sinh học từ vỏ tôm
Từ các phế phẩm của ngành chế biến thủy hải sản như vỏ tôm, cua, ghẹ,… nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh đã chế tạo thành công nhựa sinh học.
Dự án "Sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản" của nhóm tác giả Nguyễn Phương Khánh, Chung Mỹ Phúc và Huỳnh Hoàng Khang là 1 trong 2 dự án sinh viên TVU lọt vào top 15 vòng thuyết trình cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2020 tại Cần Thơ và đạt giải Nhì cuộc thi Hult Prize khu vực Đông Nam Á được tổ chức tại Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm. |
Loại nguyên liệu này có thể dùng để chế tạo các sản phẩm như ly nhựa, đũa, muỗng, đĩa. Đây là một trong những sáng tạo độc đáo, tính ứng dụng cao, mang ý nghĩa rất thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.
Sáng tạo này được bạn Phương Khánh (sinh viên ngành Hóa học ứng dụng khoá 2016) bắt tay cùng bạn Huỳnh Hoàng Khang (sinh viên lớp Đại học Quản trị Kinh doanh khóa 2018) và bạn Chung Mỹ Phúc (sinh viên lớp Đại học Ngôn ngữ Anh khóa 2017) cùng thực hiện.
Tuy các em không cùng khóa, không cùng chuyên ngành nhưng với nhiệt huyết cùng nỗi lo về vấn đề ô nhiễm môi trường bởi các loại chất thải ngành thủy sản, nhóm bạn trẻ đã cùng thực hiện các ý tưởng mang tính thời sự, sáng tạo này.
Nhận xét về tính sáng tạo và khả thi của dự án, thầy Nguyễn Văn Vũ An, Phó Bí thư Đoàn trường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, Trường Đại học Trà Vinh cho rằng: Sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản là sản phẩm thân thiện môi trường, không gây độc hại cho các loài động vật. Đặc biệt, bảo vệ sức khỏe con người, an toàn cho người sử dụng nên việc sản xuất và thương mại hóa sản phẩm là hoàn toàn khả thi, góp phần giải quyết gánh nặng trong việc bảo vệ môi trường.
(Theo nongnghiep.vn)