Tiền Giang: Hướng đến chính quyền số
Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng đến chính quyền số được tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả nhất định.
Theo đó, tỉnh đã triển khai thí điểm chính quyền số thực hiện theo Kế hoạch 219 ngày 13-8-2019 của UBND tỉnh, trong đó đầu tư 2 dự án là xây dựng kế hoạch thuê dịch vụ và hạ tầng CNTT; triển khai gói thầu Xây dựng phần mềm và đào tạo chuyển giao công nghệ hệ thống thông tin dùng chung các ngành, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng toàn bộ vào cuối năm 2020; tiếp tục thực hiện Kế hoạch 35 ngày 13-2-2020 của UBND tỉnh về phát động chuyên đề thi đua Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2020; tổ chức thực hiện Cuộc thi “Tìm hiểu về Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Tiền Giang” năm 2019 - 2020; tập trung xây dựng TP. Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh, xây dựng Đề án Công viên Phần mềm Mekong thu hút đầu tư các doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông.
Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang cũng ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; kế hoạch khảo sát sự hài lòng của người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thông báo kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2020; thẩm định, đánh giá, công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020.
Chưa kể, Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang hiện bao gồm 1 cổng chính, 34 cổng thành phần (23 sở, ban, ngành và 11 UBND cấp huyện) và liên kết với 25 trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan ngành dọc, đoàn thể và trường học nhằm cung cấp các thông tin của ngành và các đơn vị trực thuộc, cũng như công khai minh bạch các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đều có liên kết đến Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính; Cổng dịch vụ công và Hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh có chức năng thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho phép người dân và doanh nghiệp tra cứu tình trạng và kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, nộp hồ sơ trực tuyến...
Hiện nay, trang Dịch vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang đã đăng tải hơn 2.160 thủ tục hành chính; trong đó có 278 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2, 931 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 và 951 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4…
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ, kiến tạo phát triển gắn với ứng dụng CNTT, thực hiện Chính quyền số, hệ thống thư điện tử, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, các cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, tỉnh Tiền Giang thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nâng cao hiệu quả hoạt động “Đề án thí điểm Chính quyền số tỉnh Tiền Giang” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh...
A.P