Thứ Sáu, 22/01/2021, 08:26 (GMT+7)
.

Cây thuốc là tài nguyên phải lưu giữ

Từ nhiều năm qua, nguồn Tài nguyên thiên nhiên của nước ta bị "chảy máu" qua biên giới theo con đường tiểu ngạch, chủ yếu qua Trung Quốc. Ngoài các loại khoáng sản, gỗ quý... còn có khá nhiều cây thuốc quý.

TSKH Trần Công Khánh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, nếu việc khai thác, buôn bán tài nguyên cây thuốc cứ tiếp diễn như hiện nay thì nguy cơ những cây thuốc quý ở các địa phương sẽ bị cạn kiệt nhanh chóng và có nguy cơ tuyệt chủng. Có thể kể đến cây sói rừng. Sói rừng được người dân gọi là chè dại, duối dại, là một loại cây thuốc quý, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể chữa các bệnh đường ruột và rửa vết thương. Cây sói rừng, còn có tên sói láng, hay sói nhẵn. Đây là loại cây bụi thường xanh, cao 1 - 2m, thân nhẵn, các mấu hơi phồng. Cây sói rừng chứa tinh dầu, các flavonoid, coumarin, fumaric axit, succinic axit… Cây có tác dụng hoạt huyết, giảm đau, khu phong, trừ thấp, tiêu viêm, giải độc. Theo các nghiên cứu gần đây thì các sesquiterpen trong cây có tác dụng bảo vệ gan. Nhưng người dân đang khai thác vô tội vạ bán cho thương lái mà không có kiểm soát.

Cây lan kim tuyến là một ví dụ khác. Cây kim cương, còn gọi là lan kim tuyến, lan gấm, mọc nhiều trong rừng già. Ở Kon Tum, người dân cho biết loại cây này trước đây mọc đầy quanh nhà nhưng bà con không ai để ý. Nay do nhiều người tìm hái nên bây giờ phải vào tận rừng sâu mới có. Đây là loại lan đất, mọc rải rác dưới tán cây to trong rừng ẩm, ở độ cao 500 - 1.600m. Cây cao 10 - 20cm, thân mọng nước có nhiều lông mềm, mang 2 - 4 lá mọc xòe trên mặt đất. Lan kim tuyến có tác dụng chữa ho, tiêu đờm, viêm khí quản, các bệnh đường hô hấp, viêm gan mạn tính, lợi tiểu, hạ huyết áp… gần đây đang bị khai thác tận diệt do giá khá cao.

Cây thuốc thuộc loại sinh vật tái tạo, có thể tái sinh theo cách vô tính (chồi gốc, giâm cành), hoặc hữu tính (từ hạt), nếu con người không làm mất nguồn gene của nó. Tài nguyên sinh vật nói chung và cây thuốc nói riêng là để đáp ứng nhu cầu của đời sống con người, nhưng phải biết cách khai thác bền vững, cách bảo tồn và sử dụng tiết kiệm, hợp lý thì cây thuốc sẽ tồn tại lâu dài.

(Theo khoahocdoisong.vn)

.
.
.