Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng: Sáng chế 2 thiết bị tiện dụng
Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng, chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Chánh Tân Đức (ấp 3, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vừa sáng chế thành công thiết bị xúc đổ vật tư và thiết bị trộn bê tông tự hành kiểu mini tiện dụng. Thiết bị này vừa giúp tiết giảm chi phí nhân công, vừa giúp tăng năng suất lao động cho ngành Xây dựng.
Cả 2 thiết bị này đều có cấu tạo gồm 2 động cơ thủy lực (do anh Tùng nghiên cứu, thiết kế) được truyền động bởi động cơ xăng 6,5HP và một số chi tiết khác (gàu múc, thùng chứa, hệ thống cần điều khiển...). Trong đó, động cơ thủy lực 1 có nhiệm vụ điều khiển thiết bị di chuyển thông qua hệ thống bánh xích cao su (tốc độ di chuyển theo thiết kế từ 3 km - 6 km/h và có thể điều chỉnh theo ý muốn); động cơ thủy lực 2 điều khiển sự vận hành các chi tiết của thiết bị theo lập trình ứng với các cần điều khiển.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng đang vận hành thiết bị trộn bê tông tự hành. |
Đối với thiết bị trộn bê tông, khi cần trộn hỗn hợp mẻ vật tư cát, đá, xi măng, công nhân vận hành kéo cần điều khiển để gàu múc lần lượt xúc cát (2 gàu), đá (3 gàu), xi măng (1 bao đã mở dây) đổ vào thùng chứa; tiếp theo, thùng chứa được điều khiển quay tròn để trộn đều vật tư (sau khi cho nước vào); sau đó, thiết bị được di chuyển đến nơi cần đổ vật tư đã phối trộn để cung ứng theo yêu cầu của thợ xây dựng. Công suất một mẻ trộn bê tông khoảng 300 kg. Riêng thiết bị xúc đổ vật tư có sức chứa khoảng 250 kg. Theo đó, sau khi được gàu múc xúc vật tư (cát, đá…) đổ đầy vào thùng chứa, thiết bị sẽ được di chuyển đến địa điểm cần tập kết. Đặc biệt là, thùng chứa có thể nâng cao để đổ vật tư lên xe tải trong địa hình hẹp.
Chia sẻ về cơ duyên hình thành ý tưởng sáng tạo 2 thiết bị trên, kỹ sư Tùng cho biết: “Qua trải nghiệm cũng như khi quan sát thực tế, tôi nhận thấy lĩnh vực xây dựng ngày càng phát triển, dẫn đến nhu cầu lao động tăng và chi phí công nhân cũng tăng theo. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng sáng chế ra thiết bị hỗ trợ để giúp nhà thầu tiết giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất nhằm đảm bảo tiến độ công trình cũng như giúp công nhân ngành Xây dựng đỡ vất vả hơn, nhất là đối với thợ trộn hồ”.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng và thiết bị xúc đổ vật tư do anh sáng chế. |
Cũng theo kỹ sư Tùng, 2 thiết bị trên được thiết kế nhỏ, gọn (chiều ngang chỉ 90 cm), kết cấu phù hợp với nhiều địa hình (nhất là địa hình sình lầy, trơn trợt) và có tính cơ động cao; đặc biệt, rất tiện dụng khi di chuyển trong khu vực có mặt bằng hẹp. Trong đó, thiết bị trộn bê tông tự hành khắc phục được một số nhược điểm của thiết bị trộn truyền thống như: Công nhân xây dựng (phụ hồ) không phải vất vả với việc xúc vật tư cho vào máy trộn; đồng thời, phụ hồ không phải tốn thêm thời gian, công sức để thực hiện công đoạn xúc bê tông từ thiết bị trộn (bê tông trộn xong được đổ ra sàn đất) chất lên xe rùa và di chuyển đến điểm tập kết. Riêng thiết bị xúc đổ vật tư có thể được sử dụng để vận chuyển nông sản (lúa, trái cây, rau màu…) thu hoạch tại các khu vực sản xuất tập trung hay trang trại có quy mô lớn.
Nhà thầu xây dựng Lê Văn Chúc (xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết, qua tìm hiểu trên website của DNTN Chánh Tân Đức, nhận thấy thiết bị trộn bê tông tự hành do anh Tùng sáng chế có nhiều tiện ích, nên tôi đặt mua 1 thiết bị để phục vụ thi công công trình, nhằm giúp tiết kiệm chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động để đảm bảo tiến độ công trình nhận thầu. |
Ngoài ra, do sử dụng các phần mềm chuyên dụng, như Check up, Autocad, Max 3… để thiết kế cũng như điều khiển máy công cụ thi công một số chi tiết chính của thiết bị, nên việc điều chỉnh thiết kế ban đầu cũng như xuất lệnh để sản xuất đồng bộ, hàng loạt chi tiết sản phẩm có nhiều thuận lợi hơn.
“Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, trong thời gian tới tôi sẽ nghiên cứu cho ra đời dòng sản phẩm mới sử dụng động cơ điện không chổi than (Lithium) thay thế động cơ xăng, nhằm vừa giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, vừa giảm tiếng ồn, cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trong đó, bộ phận điều khiển sẽ được thiết kế bán tự động hoặc điều khiển từ xa” - kỹ sư Tùng cho biết.
Kỹ sư Tùng hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ 2 thiết bị trên để đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp; đồng thời, đăng ký tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 14, năm 2020 - 2021.
HUỲNH VĂN XĨ