Thứ Năm, 18/03/2021, 14:58 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Phê duyệt Đề án Chính quyền số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

(ABO) Ngày 16-3, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 605 Phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025,  định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án).

Theo đó, mục tiêu chung: Phát triển Chính quyền số theo hướng Chính quyền tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số của tỉnh Tiền Giang.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Chính quyền số tỉnh Tiền Giang hoạt động, vận hành, ban hành chính sách, đưa ra quyết định chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ số một cách chủ động theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách tối ưu dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu. Cơ quan nhà nước các cấp từng bước mở dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Các chỉ tiêu chính cần đạt được:

+ 80% người dân, doanh nghiệp hài lòng với các dịch vụ số của Chính quyền số Tiền Giang cung cấp;

+ Xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Nhà  nước. Xây dựng hoàn thiện các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh cho thành phố Mỹ Tho;

+ 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần và thanh toán số; cho phép thực hiện thủ tục hành chính từ đầu đến cuối trên môi trường mạng, ngoại trừ những dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật; được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tối ưu hoá trải nghiệm, mang lại sự tiện lợi cho người dùng, tự động điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã từng cung cấp;

+ 70% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ;

+ 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng;

+ 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

+ 80% cơ quan nhà nước tham gia cung cấp dữ liệu mở, dưới định dạng máy có khả năng đọc, để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội;

+ 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý;

+ 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó 30% được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu.

Mục tiêu đến năm 2030: Chính quyền số với mô hình nhiều thành phần, nhiều kênh cung cấp các dịch vụ số mới cho người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ.

Các chỉ tiêu chính cần đạt được:

+ 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với các dịch vụ số của Chính quyền;

+ Mạng di động 5G phủ sóng toàn tỉnh; người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; hoàn thành việc xây dựng Chính quyền số;

+ Dịch vụ số được thiết kế tùy biến, cá nhân hoá, tối ưu hoá trải nghiệm, tiện lợi cho người dùng, trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động và các kênh số khác, trong đó 50% dịch vụ công có sự tham gia cung cấp bởi các tổ chức ngoài nhà nước;

+ 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ;

+ 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng;

+ 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

+ Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước;

+ Giảm 30% thủ tục hành chính; hầu hết các cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước nếu pháp luật cho phép được mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp;

+ 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Thực hiện các mục tiêu xây dựng Chính quyền số tỉnh Tiền Giang tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, hình thành nền tảng số quản lý, vận hành, khai thác Chính quyền số: Nền tảng tích hợp dữ liệu số;  Nền tảng số hóa dữ liệu; Nền tảng phân tích dữ liệu số; Nền tảng giám sát hoạt động các hệ thống số; Nền tảng thanh toán trực tuyến; Nền tảng truyền thông số; Nền tảng xác thực và định danh số; Nền tảng cá nhân hóa thông tin; Nền tảng dữ liệu mở.

Thứ hai, hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu dùng chung

Nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành hình thành từ các hệ thống thông tin đã đầu tư trong các giai đoạn Chính quyền điện tử, bao gồm: CSDL ngành Công an; CSDL ngành Y tế; CSDL ngành Tư pháp; CSDL ngành Giáo dục và Đào tạo; CSDL ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; CSDL ngành Tài nguyên và Môi trường; CSDL ngành Tài chính; CSDL ngành Kế hoạch và Đầu tư; CSDL ngành Thanh tra; CSDL ngành Nội vụ; CSDL ngành Xây dựng; CSDL ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; CSDL ngành Giao thông vận tải; CSDL ngành Thông tin và Truyền thông; CSDL ngành Khoa học và Công nghệ; CSDL ngành Công thương; CSDL ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ ba, xây dựng ứng dụng số phục vụ người dân và doanh nghiệp

+ Xây dựng ứng dụng công dân số lấy người dân làm trung tâm, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng theo những cách đổi mới và sáng tạo nhờ có sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại;

+ Hình thành ứng dụng tập trung khai thác và cung cấp hệ thống các số liệu và dịch vụ phục vụ công dân số;

+ Tích hợp các dữ liệu và dịch vụ từ các hệ thống Chính quyền số hình thành ứng dụng công dân số.

 Thứ tư, xây dựng, nâng cấp các ứng dụng số trong hoạt động nội bộ cơ quan hành chính nhà nước

+ Nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống Chính quyền điện tử đã đầu tư trong các giai đoạn Chính quyền điện tử lên hệ thống Chính quyền số đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới;

+ Xây dựng hệ thống các ứng dụng số phục vụ hoạt động nội bộ cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ năm, đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin:

Đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang. Kế thừa, nâng cấp, mở rộng, phát triển và hoàn thiện các hệ thống Chính quyền điện tử đã triển khai trong giai đoạn trước. Hoàn thiện LGSP (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu) của tỉnh đóng vai trò nền tảng CNTT liên thông các sở, ban, ngành, thành phố, huyện, thị xã và các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tổng kinh phí của Đề án: 1.060,5 tỷ đồng. Trong đó: Vốn đầu tư: 793 tỷ đồng, nguồn kinh phí sự nghiệp: 267,5 tỷ đồng.

M.T

.
.
.