Biến chất thải bia thành nguồn protein mới
Trong quá trình sản xuất bia, một số phụ phẩm từ lúa mạch, kê, lúa mì và các loại ngũ cốc khác được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, nhưng hầu hết đều được đưa vào các bãi chôn lấp. Theo nghiên cứu mới nhất, chất thải đó là 70% chất xơ và 30% protein.
Các nhà khoa học Mỹ đã phát triển kỹ thuật để biến chất thải này thành các nguồn protein mới - cho động vật, cũng như con người - và nhiên liệu sinh học. Để tách chất xơ và protein, các nhà nghiên cứu đã phát triển phương pháp chưng cất phân đoạn xay ướt. Sau khi thử nghiệm một bộ ba enzym có sẵn trên thị trường, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng alcalase đã tách chất xơ và protein một cách hiệu quả nhất. Sau khi tách, cùi hạt được sàng, tạo ra chất cô đặc protein và một sản phẩm giàu chất xơ.
Ban đầu, các nhà khoa học đề xuất sử dụng bột protein để làm thức ăn cho cá, nuôi trồng thủy sản, nhưng gần đây đã thử nghiệm loại bột này như một nguồn protein trong các sản phẩm thực phẩm cho người. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu cho biết họ hy vọng sẽ mở rộng các phương pháp xử lý, cũng như sử dụng các enzym và hóa chất xanh thân thiện với môi trường để làm cho kỹ thuật tái chế ngũ cốc bền vững hơn, giá cả phải chăng hơn.
(Theo khoahocdoisong.vn)