Điều chế thành công than hoạt tính xử lý nước thải
Em Nguyễn Ngọc Xuân Uyên, học sinh Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp (xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nghiên cứu, điều chế thành công than hoạt tính (các-bon) từ hạt nhãn, giúp hấp phụ phẩm màu xanh methylen trong môi trường nước rất hiệu quả.
Với mong muốn tận dụng nguồn phế phẩm từ trái nhãn để tạo ra các-bon hoạt tính có khả năng loại bỏ phẩm màu xanh methylen, góp phần xử lý hiệu quả nguồn nước thải, giúp giải quyết ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất gây ra, em Nguyễn Ngọc Xuân Uyên đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài “Điều chế các-bon hoạt tính để hấp phụ phẩm màu xanh methylen trong môi trường nước”.
Sau hơn 3 tháng miệt mài nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ Phan Thành Dự (giáo viên bộ môn Hóa học Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp), em Nguyễn Ngọc Xuân Uyên đã nghiên cứu thành công quy trình điều chế than hoạt tính từ hạt nhãn với nhiều đặc tính nổi trội.
So với các-bon điều chế từ hạt nhãn chưa được hoạt hóa và các-bon hoạt tính do Trung Quốc sản xuất, các-bon hoạt tính do Xuân Uyên tạo ra có nồng độ xanh mêthylen (MB) ở trạng thái cân bằng là thấp nhất (14,29 mg/l); đồng thời, hiệu suất hấp phụ cũng đạt mức cao nhất (98,62%) trong điều kiện và môi trường hấp phụ ban đầu như nhau.
Thạc sĩ Phan Thành Dự cho biết, đề tài do Xuân Uyên thực hiện khá công phu. Tác giả phải tốn rất nhiều thời gian để thực hiện hàng loạt thí nghiệm nhằm so sánh, lựa chọn phương án tối ưu cho từng công đoạn của quy trình điều chế. Kết quả thử nghiệm cho thấy, các-bon hoạt tính do Xuân Uyên điều chế có khả năng hấp phụ xanh methylen gấp 1,76 lần so với sản phẩm cùng loại do Trung Quốc sản xuất.
HUỲNH VĂN XĨ