Thứ Hai, 17/05/2021, 09:22 (GMT+7)
.

Khoa học và công nghệ góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP

Đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Từ khi tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), việc đầu tư ứng dụng KHCN ngày càng được các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chú trọng nhằm mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất. Đồng thời, dần khẳng định thương hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 29 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Qua khảo sát của đơn vị chuyên môn, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện các giải pháp về KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh sự chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ KHCN không sử dụng ngân sách nhà nước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) được phân hạng OCOP 4 sao.
Các sản phẩm của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) được phân hạng OCOP 4 sao.

Tiêu biểu như đề tài “Nghiên cứu cải tiến các quy trình sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với nguồn nguyên liệu chính từ cây bưởi tại Tiền Giang” tại Doanh nghiệp tư nhân Long Thuận; “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cấy và đa dạng hóa các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo” tại Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân; “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất trà và trà túi lọc quy mô công nghiệp từ trái mãng cầu Xiêm tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang” tại Công ty TNHH Travipha.

Ngoài ra, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ nhiều đơn vị, doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO, VietGAP và các công cụ quản lý LEAN, Kaizen, 5S vào quản lý sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Cùng với đó, Sở KH CN phối hợp với các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch… góp phần khẳng định nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Có thể khẳng định, ứng dụng KHCN là một trong những giải pháp then chốt giúp sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong thời gian tới, Sở KH&CN tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đẩy nhanh tiến bộ KHCN vào sản xuất, nhất là những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân và các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc thực hiện tốt liên kết “4 nhà”: Nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước để tạo cú hích mạnh mẽ, giúp sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, hướng tới cấp quốc gia, đưa các sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang tới tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Ths. LÊ MINH ĐÚNG

 

.
.
Liên kết hữu ích
.