Dùng vỏ me làm vật liệu lưu trữ năng lượng
Vỏ me giàu carbon, độ xốp cao, được các nhà khoa học tạo thành các tấm nano carbn có khả năng tích tụ điện.
Nhóm nghiên cứu Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore chế tạo các tấm nano carbon lưu trữ điện tích trong các tụ điện của xe điện, xe máy điện.
Vỏ me được nhóm tận dụng giúp tăng giá trị. Ảnh: Science Daily |
Ở công đoạn tiền xử lý, các nhà khoa học rửa sạch vỏ me và sấy khô ở 100 độ C trong khoảng 6 giờ. Sau đó, vỏ được nghiền thành bột và nung nhiệt độ 700 đến 900 độ C ở điều kiện hiếm oxy trong 150 phút. Phương pháp này có thể chuyển đổi bột thành các tấm nano carbon siêu mỏng.
Giáo sư Dhayalan Velauthapillai, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, vật liệu nano carbon bao gồm các lớp nguyên tử carbon được sắp xếp thành các hình lục giác liên kết với nhau như tổ ong. Khả năng lưu trữ năng lượng của chúng nằm ở cấu trúc xốp giúp lưu trữ một lượng lớn điện tích."Ưu điểm về độ xốp của vỏ me làm tăng diện tích bề mặt của carbon trong tấm nano và cho phép lưu trữ nhiều điện hơn", ông nói.
Ngoài ra, tấm nano carbon từ vỏ me có khả năng dẫn điện và ổn định nhiệt tốt. So với quy trình sản xuất tấm nano bằng sợi gai dầu, phương pháp dùng vỏ me tiết kiệm năng lượng hơn.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể hợp tác đối tác nông nghiệp để phát triển tấm nano carbon ở quy mô lớn hơn phòng thí nghiệm bằng cách giảm năng lượng trong quá trình sản xuất để tăng độ thân thiện hơn với môi trường. Nhóm cũng tìm hiểu thêm khả năng sử dụng các loại vỏ trái cây khác nhau ứng dụng trong lĩnh vực này.
(Theo vnexpress.net)