Thứ Bảy, 03/07/2021, 20:31 (GMT+7)
.

Nghiên cứu hiệu quả của tia laser đối với virus SARS-CoV-2

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, thiết bị đẩy không khí qua buồng khử trùng có chứa chùm tia laser tiêu diệt virus SARS-CoV-2 trong vòng chưa đầy 0,05 giây.

Ảnh minh họa. Nguồn: PAP
Ảnh minh họa. Nguồn: PAP

Trung tâm quốc tế về kỹ thuật gene và công nghệ sinh học (ICGEB) đã phối hợp với công ty công nghệ Eltech K-Laser của Italy nghiên cứu liệu ánh sáng laser có thể tiêu diệt các phân tử virus SARS-CoV-2 lơ lửng trong không khí hay không.

Nghiên cứu được triển khai từ năm 2020 khi Italy hứng chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã sáng chế 1 thiết bị đẩy không khí qua buồng khử trùng có chứa chùm tia laser tiêu diệt virus và vi khuẩn.

Theo bà Serena Zacchigna, trưởng nhóm sinh học tim mạch thuộc ICGEB, thiết bị này đã chứng minh hiệu quả khi tiêu diệt virus trong vòng chưa đầy 0,05 giây.

Môi trường trong nhà lành mạnh, với ít mầm bệnh, được cho là cần thiết cho sức khỏe cộng đồng hậu COVID-19 - vốn cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người trên thế giới chỉ trong 18 tháng.

Do đó, bà Zacchigna đã bắt tay với kỹ sư người Italy Francesco Zanata, nhà sáng lập Eltech K-Laser, thực hiện nghiên cứu này.

Eltech K-Laser là công ty chuyên về laser y tế, có sản phẩm được các ngôi sao thể thao sử dụng để điều trị viêm cơ và gãy xương.

Cho đến nay, hiệu quả của ánh sáng laser trong việc tiêu diệt virus vẫn là vấn đề gây tranh cãi khi một số chuyên gia cảnh báo những nguy cơ có thể xảy ra trong việc sử dụng công nghệ dựa trên ánh sáng để tiêu diệt virus SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Photochemistry & Photobiology tháng 11/2020 đã đưa ra những quan ngại về tiềm ẩn nguy cơ ung thư với chi phí đắt đỏ.

Tuy nhiên, bà Zacchigna và ông Zanata bác bỏ bất kỳ nguy cơ về vấn đề sức khỏe có thể gặp phải, đồng thời khẳng định tia laser từ thiết bị không bao giờ tiếp xúc với da người, an toàn 100% đối với người và có thể tái chế hoàn toàn.

Công nghệ này không loại bỏ được virus và vi khuẩn khi chúng rơi xuống các bề mặt hoặc sàn nhà, cũng như không thể ngăn chặn lây nhiễm trực tiếp trong trường hợp người mắc bệnh hắt hơi hoặc nói to khi ở gần người khác.

Thiết bị di động này cao khoảng 1,8m và nặng khoảng 25kg, có thể được đặt trong các thiết bị điều hòa không khí.

Trong số các khách hàng tiềm năng đầu tiên của thiết bị này có EcoCare của Đức - một nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm và các giải pháp tiêm chủng.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-hieu-qua-cua-tia-laser-doi-voi-virus-sarscov2/724269.vnp)

.
.
.