.

Bảo tồn giống lúa lóng vươn dài 3 - 5m

Cập nhật: 21:31, 28/08/2021 (GMT+7)

Nước đến đâu, cây lúa vươn lóng đến đó từ 3 - 5m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng, với thời gian tầm 6 tháng nên được gọi đó là lúa mùa nổi.

Lúa mùa nổi được người dân vùng ĐBSCL trồng trước năm 1985, có tên khoa học là Floating rice. Đây là giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo. Nông dân trồng giống lúa này theo phương pháp truyền thống, không phân bón, không phun thuốc trừ sâu, gieo sạ vào tháng 5 âm lịch... Cây lúa tự ngậm sương mà nẩy mầm, rồi lớn.

Sản xuất lúa mùa nổi tại huyện Tri Tôn (An Giang).  Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Sản xuất lúa mùa nổi tại huyện Tri Tôn (An Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Đặc biệt, giống lúa này khác lạ hơn các giống lúa khác ở chỗ trồng “thuận thiên” theo mùa nước lũ. Khi nước lũ từ sông Mekong đổ về, nước đến đâu, cây lúa vươn lóng đến đó, dài tới từ 3 – 5m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng, đơm bông với thời gian sinh trưởng của lúa khoảng tầm 6 tháng nên được gọi là lúa mùa nổi.

Đặc biệt, lúa mùa nổi còn tạo sinh cơ thuận lợi cho các loại thủy sản ẩn trú, sinh sôi và phát triển trong mùa nước nổi, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Đây là giống lúa giàu về giá trị về dinh dưỡng, sinh trưởng “thuận thiên”, ít ảnh hưởng đến môi trường.

Hiện toàn vùng ĐBSCL có trên dưới 300ha, tập trung tại huyện Tri Tôn, Chợ Mới, An Phú (An Giang), huyện Tam Nông, Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện Tân Hưng (Long An)…, mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn lúa thương phẩm.

Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết, hiện nay cây lúa mùa nổi là loại đặc sản ở vùng Tứ giác Long Xuyên, diện tích khoảng 70 ha, chủ yếu tập trung nhiều ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Đây là loại lúa thích ứng với vùng biến đổi khí hậu, có thể trồng trong vùng ngập lũ sâu, nước dâng đến đâu cây lúa phát triển đến đó.

Hiện nay cây lúa mùa nổi là loại đặc sản ở vùng Tứ giác Long Xuyên, diện tích khoảng 70ha, chủ yếu tập trung nhiều ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Hiện nay cây lúa mùa nổi là loại đặc sản ở vùng Tứ giác Long Xuyên, diện tích khoảng 70ha, chủ yếu tập trung nhiều ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Đa phần người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc BVTV, chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nên hạt gạo đạt độ dinh dưỡng rất cao. Hiện tại, diện tích trồng lúa mùa nổi ở Tri Tôn được nhiều doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, còn giá gạo từ 25.000 - 26.000 đồng/kg.

Theo ông Văn, nhiều năm nay ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn đã kết hợp với Trường Đại học An Giang để nghiên cứu bảo tồn, duy trì và cải thiện giống lúa đang canh tác tại địa phương. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu mong muốn tăng cường năng lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cho nông dân, hướng tới thương mại hóa lúa mùa nổi và cải thiện thu nhập cho bà con.

Tuy nhiên nhiều năm gần đây, nước lũ không về nhiều, cũng gây khó khăn cho việc sinh trưởng và phát triển giống lúa mùa nổi vì bị dịch hại tấn công, nhất là chuột phá hại. Nhưng bù lại, nông dân sản xuất giống lúa đặc sản này không tốn nhiều công và chi phí đầu tư như trồng lúa cao sản khác.

Lúa mùa nổi cho năng suất thấp hơn lúa cao sản, nhưng bù lại lúa luôn bán với giá cao hơn gấp 2 - 3 lần lúa thông thường do có hàm lượng vitamin E cao gấp 5 lần so với các loại gạo khác.

Bình quân mỗi vụ nông dân trồng lúa mùa nổi lãi trên 3,5 triệu đồng/công/vụ, hiệu quả thường cao hơn lúa cao sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Bình quân mỗi vụ nông dân trồng lúa mùa nổi lãi trên 3,5 triệu đồng/công/vụ, hiệu quả thường cao hơn lúa cao sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Để phát triển diện tích trồng lúa mùa nổi ở ĐBSCL, mới đây Tập đoàn Lộc Trời cùng UBND huyện Tân Hưng (Long An) đã ký kết hợp tác sản xuất giống lúa mùa nổi ở ĐBSCL khoảng 100ha tại xã Vĩnh Đại, được canh tác theo quy trình bền vững (SRP).

Tại đây, bà con nông dân sản xuất được Tập đoàn Lộc Trời tổ chức sạ giống lúa mùa nổi Nàng Tây Đùm với lượng giống khoảng 80 kg/ha bằng thiết bị bay không người lái, thay vì sạ bằng tay như thói quen trước đây của bà con.

Dự kiến từ đây đến khi thu hoạch vào cuối năm 2021, đầu năm 2022, các kỹ sư nông nghiệp “3 Cùng” sẽ sát cánh cùng bà con để chăm sóc, quản lý suốt mùa vụ. Cung cấp các giải pháp, quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ và quản lý đồng ruộng trong suốt quá trình liên kết và tiếp tục ứng dụng các thiết bị công nghệ cao vào canh tác.

(Theo nongnghiep.vn)

.
.
.