Covid-19 giảm nhanh một cách khó hiểu ở châu Phi
Tại một khu chợ sầm uất ở thị trấn nghèo bên ngoài thành phố Harare, Zimbabwe, Nyasha Ndou cất khẩu trang trong túi, hàng trăm người khác chen lấn mua hàng mà không che mặt.
Giống với phần lớn khu vực ở Zimbabwe, tại đây, Covid-19 dường như đã lùi xa về quá khứ. Các cuộc mít tinh chính trị, buổi hòa nhạc và nhiều sự kiện lớn quay trở lại.
"Virus đã biến mất, lần cuối cùng bạn nghe đến Covid-19 là khi nào? Khẩu trang là để bảo vệ cho ví tiền của tôi. Cảnh sát sẽ phạt tiền nếu bạn ra ngoài mà không đeo nó", Ndou nói.
Đầu tuần này, Zimbabwe chỉ ghi nhận 33 ca nhiễm nCoV mới, không có trường hợp tử vong nào. Tình hình tương tự với toàn châu Phi, nơi số ca mắc mới sụt giảm kể từ tháng 7, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Khi Covid-19 lần đầu xuất hiện vào năm ngoái, giới chức y tế lo ngại đại dịch sẽ giết chết hàng triệu người châu Phi vì hệ thống chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Dù chưa rõ con số cuối cùng là bao nhiêu, kịch bản thảm khốc này chưa thành hiện thực ở Zimbabwe hoặc phần lớn lục địa.
Một người phụ nữ xếp hàng tại điểm lấy nước của thành phố Harare, Zimbabwe, ngày 14/11. Ảnh: AP |
Các nhà khoa học nhấn mạnh việc thu thập dữ liệu chính xác rất khó khăn, đặc biệt tại những nước châu Phi với hệ thống theo dõi ca nhiễm chắp vá. Họ cảnh báo xu hướng tích cực hiện tại có thể sớm bị đảo ngược. Thế nhưng, dịch bệnh suy yếu nhanh đến bí ẩn ở khu vực này khiến các nhà khoa học bối rối. "Châu Phi không có vaccine và nguồn lực để chống lại Covid-19 như châu Âu và Mỹ. Nhưng bằng cách nào đó, mọi thứ có vẻ đang khả quan hơn", Wafaa El-Sadr, Chủ tịch Ban y tế toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết.
Hiện châu lục mới tiêm chủng cho dưới 6% dân số. Trong nhiều tháng, WHO mô tả châu Phi là "một trong những khu vực ít bị ảnh hưởng nhất toàn cầu".
Theo một số chuyên gia, nguyên nhân có thể do đây là lục địa trẻ. Độ tuổi trung bình của người dân châu Phi là 20, thấp hơn so với 43 tuổi ở châu Âu. Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn, người dân có xu hướng dành thời gian ngoài trời nhiều, từ đó tránh được tác động chết người của virus. Những nghiên cứu khác tìm hiểu về lý do di truyền hoặc thời gian dài cộng đồng nhiễm các bệnh về ký sinh trùng, sinh phản ứng miễn dịch tự nhiên.
Hôm 19/11, các nhà khoa học tại Uganda phát hiện bệnh nhân tiền sử nhiễm sốt rét ít nguy cơ trở nặng và tử vong hơn sau khi mắc Covid-19. Jane Achan, cố vấn nghiên cứu cấp cao tại Malaria Consortium, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: "Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy rằng (từng mắc) sốt rét lại có tác dụng bảo vệ con người trước Covid-19".
Achan giải thích việc mắc sốt rét trong quá khứ có thể làm giảm bớt phản ứng miễn dịch quá mức (gây bão Cytokine) của bệnh nhân Covid-19. Phản ứng này thường dẫn đến đông máu, thuyên tắc phổi và tử vong, theo nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Mỹ, ngày 19/11.
Christian Happi, Giám đốc Trung tâm Gene và các Bệnh truyền nhiễm châu Phi, Đại học Redeemer, cho biết nhà chức trách đã quen với việc kiểm soát dịch bệnh ngay cả khi không có vaccine. Mạng lưới y tế cộng đồng tại đây rất rộng lớn.
"Không phải lúc nào cũng cần đến nhiều tiền hay hệ thống bệnh viện phức tạp", ông nói.
Devi Sridhar, Trưởng Khoa y tế công cộng tại Đại học Edinburgh, cho biết các nhà lãnh đạo châu Phi chưa được ghi nhận xứng đáng dù đã hành động nhanh chóng trong đại dịch. Ví dụ, giới chức Mali quyết định đóng cửa biên giới trước khi Covid-19 quét qua.
Ông Sridhar nói: "Tôi nghĩ châu Phi có một kiểu tiếp cận khác. Các quốc gia chống Covid-19 với tinh thần khiêm nhường vì họ đã trải qua nhiều dịch bệnh như Ebola, bại liệt và sốt rét".
Những tháng qua, nCoV tấn công châu Phi, ước tính giết chết hơn 89.000 người, con số cao nhất tại lục địa. Hiện giới chức châu Phi không báo cáo lượng lớn ca tử vong vì Covid-19 nữa, dù họ thừa nhận hệ thống dữ liệu có thể có lỗ hổng. Theo WHO, số ca tử vong ở lục địa này chỉ chiếm 3% tổng số tử vong toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở châu Mỹ và châu Âu lần lượt là 46% và 29%.
Tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, chính phủ ghi nhận tổng cộng gần 3.000 ca tử vong trong số 200 triệu dân. Trong khi tại Mỹ, cứ hai đến ba ngày, con số tử vong lại chạm ngưỡng này.
Tình hình dịch khiến những người Nigeria như Opemipo Are, 23 tuổi, cảm thấy nhẹ nhõm. "Họ từng nói rằng sẽ có xác người đầy đường phố và những thứ kiểu vậy, nhưng chẳng có gì xảy ra cả", cô nói.
Hôm 19/11, giới chức Nigeria mở rộng chiến dịch tiêm chủng. Mục tiêu của các nhà chức trách là tiêm vaccine cho 50% dân số trước tháng 2/2022, cho rằng đây là ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Oyewale Tomori, chuyên gia virus người Nigeria, thành viên nhóm cố vấn của WHO, nhận định châu Phi thậm chí không cần nhiều vaccine như phương Tây. Ý tưởng này gợi nhớ đến mục tiêu miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên của Anh hồi tháng 3/2020, được các chuyên gia bàn luận nhiệt tình dù có nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa châu Phi không cần vaccine. Salim Abdool Karim, chuyên gia dịch tễ tại Đại học KwaZulu-Natal của Nam Phi, cựu cố vấn chính phủ về Covid-19, cho biết: "Chúng ta cần tiêm chủng để chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh tiếp theo. Nhìn vào những gì đang diễn ra tại châu Âu, khả năng có nhiều ca nhiễm tràn qua đây là rất cao", ông nói.
Tại Zimbabwe, bác sĩ rất biết ơn khi có khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa dịch bệnh, song sợ rằng tình hình này chỉ là tạm thời.
"Mọi người nên hết sức cảnh giác. Sự tự mãn sẽ đánh gục tất cả chúng ta, các bạn có thể mắc bệnh mà không biết", tiến sĩ Johannes Marisa, Chủ tịch Hiệp hội Y tế và Nha khoa Zimbabwe, cảnh báo.
Theo VnExpress