Tiền Giang: Từng bước hiện thực hóa Chính quyền số
Xây dựng Chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường là một trong những mục tiêu quan trọng mà Tiền Giang đang hướng đến. Thay đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông, đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại địa phương.
VẪN CÒN BẤT CẬP
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để các địa phương nắm bắt, bứt phá vươn lên. Trong xu thế đó, những năm qua Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng CNTT thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
TiengiangS đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. |
Theo đó, hạ tầng viễn thông được bao phủ và thông suốt, mạng cáp quang đã phủ đến 100% xã, phường, thị trấn; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai liên thông từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương. Bên cạnh đó, các hệ thống thông tin dùng chung được triển khai thống nhất, đồng bộ và liên thông từ cấp tỉnh đến cơ sở như hệ thống quản lý văn bản điều hành, thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Chưa kể, hạ tầng kỹ thuật CNTT được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT; nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị đối với công tác ứng dụng và phát triển CNTT có sự chuyển biến tích cực; chỉ số sẵn sàng ứng dụng, phát triển CNTT và truyền thông của tỉnh được xếp hạng khá so với cả nước (hạng 5/63 năm 2019, hạng 16/63 năm 2020).
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tình hình ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa đồng bộ, chưa có một cơ sở dữ liệu chung, liên thông toàn tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp; việc cung cấp các thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ cao phục vụ người dân chưa đạt hiệu quả; nhiều hệ thống thông tin còn rời rạc, chưa tích hợp, liên thông và chia sẻ; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc của một số ngành còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, thủ công.
Chưa kể, ngành công nghiệp CNTT của tỉnh chưa phát triển; tình hình ứng dụng CNTT của doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn thấp; số doanh nghiệp CNTT phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều; nhiều doanh nghiệp của tỉnh chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại.
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế trong việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT là do nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CNTT, chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức, người dân chưa đầy đủ; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước chưa được quan tâm đúng mức; thiếu gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng CNTT với cải cách hành chính nhằm đổi mới lề lối, phương thức làm việc; nguồn lực đầu tư cho CNTT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tư duy trong chuyển đổi số chậm đổi mới.
ĐỔI MỚI CĂN BẢN
Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục lãnh đạo chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, nhiều phần mềm phòng, chống dịch đã được triển khai và phát huy hiệu quả cao. Chẳng hạn, phần mềm Quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tính đến ngày 1-11 đã có 234 doanh nghiệp đã được tập huấn sử dụng hệ thống với tổng số nhân viên là 106.465 người; bản đồ thông tin dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh (App di động TiengiangS) cũng đã kịp thời thông tin, dữ liệu dịch tễ trên địa bàn tỉnh lên hệ thống (địa chỉ: https://covid.tiengiang.gov.vn). Riêng phần mềm Hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm đến ngày 15-10, Sở Thông tin và Truyền thông đã kết nối liên thông cơ sở dữ liệu với nền tảng hệ thống Quản lý xét nghiệm quốc gia và đến ngày 1-11 đã có 88 cơ sở y tế nhập dữ liệu lên hệ thống. Bên cạnh đó, hệ thống Quản lý cách ly tại nhà (http://tokhaiyte.vn) đến ngày 1-11 đã có 11 địa phương cấp huyện nhập liệu hệ thống quản lý cách ly F1 tại nhà, với tổng số 1.180 F1. Ngoài ra, phần mềm Quản lý tiêm chủng quốc gia cũng đã phát huy hiệu quả, tính đến ngày 31-10 đã có 18 cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh tham gia. Chưa kể tính đến ngày 1-11, toàn tỉnh có 1.032 điểm công cộng tạo mới mã QR code để sử dụng quét mã hỗ trợ công tác phòng, chống dịch… |
Theo đó, mục tiêu quan trọng mà Tỉnh ủy đề ra là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng Chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh thực hiện cao hơn mức trung bình của cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Cụ thể hóa từng bước đi, Tiền Giang cũng chọn một số lĩnh vực ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số lĩnh vực có nhu cầu cao, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực y tế, tỉnh sẽ tập trung ứng dụng nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, giúp bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao ở tuyến trên hỗ trợ những ca bệnh khó ở tuyến dưới, hạn chế chuyển tuyến, quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên; 100% các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện có bộ phận khám, chữa bệnh từ xa.
Đồng thời, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, từng bước hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu về y tế.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số của tỉnh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp; đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tỉnh sẽ triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể như: Cơ sở dữ liệu đất đai; các cơ sở dữ liệu về quan trắc tài nguyên và môi trường; đa dạng sinh học; nguồn thải; viễn thám; biến đổi khí hậu; khí tượng - thủy văn...; đồng thời, triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.
Còn trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, tỉnh sẽ triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm để quảng bá hình ảnh tỉnh Tiền Giang; chuẩn hóa các nội dung số kết hợp với công nghệ 3D, 4D để giới thiệu hình ảnh văn hóa, du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động thông minh…
A.P