.
LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH TIỀN GIANG:

Dấu ấn từ hoạt động tư vấn, phản biện

Cập nhật: 10:27, 15/12/2021 (GMT+7)

Một trong những kết quả tạo dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (Liên hiệp Hội) là hoạt động tư vấn, phản biện. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Liên hiệp Hội thành lập Hội đồng phản biện độc lập 16 đề án, dự án do UBND tỉnh giao. Nội dung phản biện của Liên hiệp Hội được chủ đầu tư, cơ quan chức năng đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn cũng như cung cấp nhiều luận cứ khoa học quan trọng.

TS. Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì cuộc họp  Hội đồng phản biện ” (ảnh chụp trước khi  dịch Covid-19  bùng phát  tại Tiền Giang).
TS. Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp Hội chủ trì cuộc họp Hội đồng phản biện (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát tại Tiền Giang).

Theo lãnh đạo Liên hiệp Hội, kể từ khi UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 2639 về quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB&GĐXH) của Liên hiệp Hội, việc triển khai hoạt động tư vấn và phản biện có nhiều thuận lợi hơn so với trước đây. Cụ thể, hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ đã được phê duyệt, Liên hiệp Hội xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước. Căn cứ vào dự toán chi ngân sách hoạt động TV, PB&GĐXH đã được phê duyệt, Sở Tài chính thông báo dự toán cho Liên hiệp Hội, Sở KH&CN để triển khai thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết: Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 2639, hoạt động TV, PB của Liên hiệp Hội có sự chủ động hơn. Do được bố trí kinh phí trong dự toán đầu năm nên khi UBND tỉnh giao nhiệm vụ đối với một đề án, dự án cụ thể, Liên hiệp Hội lên kế hoạch và tiến hành các bước phản biện theo trình tự, thủ tục quy định như: Mời chuyên gia, nhà khoa học tham gia và ra quyết định thành lập Hội đồng phản biện độc lập; dự toán kinh phí phản biện; xây dựng đề cương phản biện; nghiên cứu nội dung đề án, dự án cần tư vấn, phản biện; tổ chức họp thành viên Hội đồng phản biện để lấy ý kiến đóng góp; tổng hợp, báo cáo kết quả tư vấn, phản biện đề án, dự án theo yêu cầu.

Công tác tư vấn, phản biện của Hội đồng phản biện độc lập vì thế được triển khai nhanh hơn (chỉ mất từ 1 - 2 tuần là hoàn thành báo cáo) so với trước đây (sau khi có chủ trương phải mất thời gian làm thủ tục đề nghị bổ sung, thẩm định kinh phí) nên đảm bảo tiến độ do cơ quan thẩm quyền hoặc chủ đầu tư đưa ra.

Bên cạnh đó, để giúp cho công tác TV, PB các đề án, dự án đạt hiệu quả, từ cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức, Liên hiệp Hội rà soát và tiến hành mời các chuyên gia, nhà khoa học công tác tại các viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học, các Ủy viên Ban Chấp hành cùng các chuyên gia công tác tại các Hội thành viên của Liên hiệp Hội tham gia Hội đồng phản biện độc lập. Trong đó, các chuyên gia được mời phản biện phải đảm bảo có trình độ chuyên sâu, chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với nội dung đề án, dự án cần phản biện.

Trong số các đề án và dự án do Liên hiệp Hội phản biện, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 81,25% (13/16 đề án, dự án); điển hình như Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”, Dự án “Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”, Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”.

Ths. HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.