Kịch bản Việt Nam có thể tăng 6 độ C vào cuối thế kỷ
Báo cáo GEMMES Việt Nam mới đây chỉ ra, nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn, nhiệt độ tại Việt Nam có thể tăng lên đến 6 độ C.
Báo cáo được thực hiện bởi hơn 60 nhà nghiên cứu đến từ hai quốc gia Việt Nam và Pháp. PGS.TS Ngô Đức Thành, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nhà khoa học tham gia xây dựng báo cáo, cho biết, các nhà nghiên cứu của GEMMES sử dụng bộ dữ liệu mới nhất từ chương trình Nghiên cứu khí hậu thế giới để thiết lập mô hình khí hậu Việt Nam theo một số kịch bản chính sách khí hậu.
Theo PGS Thành, khi nhiệt độ trung bình tăng nhanh, hiện tượng thời tiết nắng nóng cực đoan sẽ xuất hiện. "Nếu trước đây 35 độ C được coi là một mức nhiệt độ cao, thì trong tương lai, nó sẽ trở thành mức bình thường với sự xuất hiện của các mức nhiệt mới cao hơn là 40 hoặc 45 độ C", anh cho hay. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm đối với cuộc sống và môi trường sống của con người nếu không tìm cách thích ứng đủ nhanh với những thay đổi của khí hậu.
Hồ Kênh Lấp (Bến Tre), trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây bị khô nứt nẻ, người dân có thể đi bộ băng qua, tháng 4/2020. Ảnh: Hoàng Nam |
Các phân tích cho thấy, Việt Nam có nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,89 độ C thời kỳ từ 1958 - 2018, trong đó, thập kỷ vừa qua chứng kiến mức tăng cao nhất. Trước đây cứ một thập kỷ tăng 0,146 độ C, trong khi giai đoạn gần đây 1986-2018 mức tăng là 0,231/thập kỷ.
Theo các nhà khoa học, nếu các cam kết của thoả thuận Khí hậu Paris vẫn được duy trì, Việt Nam sẽ trải qua mức tăng nhiệt trung bình là 1,3 độ C. Nhưng nếu những cam kết về giảm phát thải khí nhà kính không được đáp ứng thì nguy cơ nhiệt độ sẽ tăng mạnh, với kịch bản tăng 6 độ C vào cuối thế kỷ.
Các nhà khoa học cảnh báo, mức nhiệt tăng cực đoan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp, phá huỷ nhiều thành phố và làng mạc, khiến nhiều khu vực đứng trước nguy cơ phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên ngày một tăng về cả số lượng và mức độ nghiêm trọng.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một ví dụ về sự tác động của biến đổi khí hậu và những thay đổi về môi trường do con người. Báo cáo chỉ ra ảnh hưởng biến đổi khí hậu có thể trở thành mối nguy lớn nhất trong nửa sau của thế kỷ này. ĐBSCL đang phải đối mặt với mức độ sụt lún đất cao, có nơi lên tới 5 cm/năm, chủ yếu do khai thác nước ngầm (hiện tại là ~ 2,5.106 m3/ngày, với mức tăng hàng năm là 4%/năm). Nếu tốc độ khai thác nước ngầm duy trì ở mức hiện tại, sự sụt lún tích lũy cùng với nước biển dâng có thể khiến phần lớn đồng bằng chìm xuống dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ. "30% đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển khi nước biển dâng tương đối đạt mức 50 cm", báo cáo viết.
Tại hội thảo phân tích về báo cáo GEMMES hôm 9/3, các nhà khoa học cho rằng, biến đổi khí hậu trong tương lai phụ thuộc vào nỗ lực chung của các quốc gia trong việc cắt giảm triệt để lượng phát thải khí nhà kính, phù hợp với thoả thuận Paris.
Dự án GEMMES là dự án hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và cơ quan phát triển Pháp AFD (Agence Française de Développement). Báo cáo dài 612 trang nghiên cứu về khí hậu được tiến hành từ năm 2018. Đây cũng là bản đánh giá chi tiết đo lường tác động kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu gây nên và đề xuất chiến lược thích ứng để giải quyết với những tác động đó tại Việt Nam. Báo cáo này trình bày tại Hội nghị COP26 vào năm 2021.
Chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận Paris và đóng vai trò như một công cụ để các nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Thông qua việc thành lập mạng lưới các nhà khoa học Pháp-Việt, GEMMES cũng giúp Việt Nam phát triển năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu về biến đổi khí hậu.
(Theo vnexpress.net)