Thứ Tư, 16/03/2022, 14:32 (GMT+7)
.

Tăng năng lực ứng phó sạt lở trong xây dựng công trình thủy lợi

Nói đến sạt lở, xói lở, trước đây người ta cho rằng do thiên tai. Nhưng với tình trạng này xảy ra liên tục không theo quy luật và ngày càng gia tăng về tốc độ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua, nguyên nhân không chỉ là thiên tai.

Nhóm nghiên cứu khoan khảo sát dọc kinh Chợ Gạo.
Nhóm nghiên cứu khoan khảo sát dọc kinh Chợ Gạo.

Theo kết quả khảo sát, toàn ĐBSCL hiện có trên 15.000 km kinh trục và kinh cấp I, gần 27.000 km kinh cấp II, khoảng 50.000 kinh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5 m (lớn nhất là cống - đập Láng Thé 100 m và cống - đập Ba Lai 84 m), trên 800 cống rộng 2 - 4 m và hàng vạn cống, bọng nhỏ, trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ để chủ động tưới, tiêu.

Các công trình cống khu vực ĐBSCL đảm bảo nhiệm vụ tiêu thoát lũ, úng, chua, lấy nước tưới, kiểm soát mặn và còn đảm nhiệm giao thông thủy, cho thuyền bè qua lại vào những lúc thích hợp. Vì vậy, sự xói lở xảy ra cả hai phía khiến không ít cống vừa và lớn bị xói lở hạ lưu công trình gây mất ổn định công trình, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, chi phí sửa chữa hàng tỷ đồng cho mỗi công trình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Công nghệ Trường Đại học Tiền Giang, công trình nghiên cứu ứng phó sạt lở trong “Phòng chống xói lở cống vùng ĐBSCL” đã nêu ra các nguyên nhân gây xói lở bờ và đề xuất giải pháp xử lý đảm bảo hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và sự biến đổi của dòng chảy, nhằm hạn chế và giảm thiểu thiệt hại đối với các công trình xây dựng ven sông cũng như hạn chế thiệt hại về diện tích đất nông nghiệp của người dân tại vùng ĐBSCL.

Trên thực tế, trong xây dựng công trình thủy lợi, tình hình xói lở luôn là vấn đề đáng quan tâm kể cả trong nước và thế giới. Xói lở hiện đã và đang gây ra hậu quả nặng nề. Khi xây dựng một số công trình thủy lợi trên một số kinh, sông, do đặc thù của dòng chảy bị biến đổi, nhất là nước chảy qua các công trình, thường là dòng chảy xiết có lưu tốc lớn, có năng lượng thừa lớn khi chảy xuống hạ lưu sẽ làm xói lở công trình, dòng  chảy bị thu hẹp hoặc chuyển hướng, làm sụp lở vùng bờ sông, gây ra hư hỏng rất nhiều công trình xây dựng ven sông, nhất là trên các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây…

Do đó, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhiều nghiên cứu mới ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong các ngành vật liệu, kết cấu xây dựng để tăng cường hiệu quả bảo vệ bờ sông đã được tiến hành, thử nghiệm và đưa vào sử dụng rộng rãi, thay thế, bổ sung cho các giải pháp truyền thống.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng cũng đã nghiên cứu đưa ra một giải pháp được ứng dụng thử nghiệm rộng rãi và đạt hiệu quả ở Việt Nam như: Các giải pháp chống xói lở hạ lưu cống: Sử dụng dạng túi Geotube để bảo vệ bờ, sử dụng cừ nhựa PVC thay cho cừ bê tông cốt thép, sử dụng các loại thực vật thân thiện với môi trường (kỹ thuật mềm), giải pháp xây dựng bể tiêu năng để tiêu tán năng lượng chống xói cho cống...

Đặc biệt là công nghệ trụ đất xi măng (CDM-Cement Deep Mixing) đang được nghiên cứu và áp dụng phòng, chống sạt trượt mái dốc cho các kinh, sông góp phần tăng năng lực ứng phó sạt lở trong xây dựng công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang.

Với những công trình nghiên cứu của mình trong thời gian qua, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng là 1 trong 63 tiến sĩ được vinh danh “Trí thức khoa học - công nghệ tiêu biểu” tỉnh Tiền Giang năm 2018.

HOÀNG LONG

.
.
Liên kết hữu ích
.