.

Vệ sinh mũi đúng cách để không bị COVID "hỏi thăm"

Cập nhật: 10:19, 25/03/2022 (GMT+7)

Vệ sinh mũi hàng ngày là một trong những biện pháp cần thiết để phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn mắc các sai lầm trong việc này.

Sự ra đời của vaccine và các phương tiện hỗ trợ điều trị khác trong cuộc chiến chống lại COVID-19 đã giúp chúng ta tiến gần hơn đến việc kiểm soát đại dịch nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được coi là những biện pháp hợp lý để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh đã được chính phủ các nước thực hiện tuy nhiên dịch bệnh vẫn chưa dừng lại theo kì vọng đã đặt ra. Chính vì thế, nhiều biện pháp ngăn ngừa vẫn được nghiên cứu, trong đó có các biện pháp vệ sinh mũi.

1. Vệ sinh mũi thế nào?

Vệ sinh mũi thế nào cho hiệu quả có thể là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Người ta biết rằng 90% SARS-CoV-2 nằm trong mũi của bệnh nhân, sau đó là điểm xâm nhập tiếp theo vào phổi. Vì vậy có thể làm các động tác đơn giản như vệ sinh mũi để giảm nồng độ virus bám lại để có thể di chuyển xuống phổi gây ra các tổn thương nặng nề ở phổi như viêm phổi, đông đặc phổi.

b
Ảnh minh họa

Vậy bạn vệ sinh mũi như thế nào để đạt được mục đích trên? Bạn có thể làm loãng nồng độ virus trong niêm mạc mũi bằng các cách như sau:

- Các thuốc sát khuẩn có bán sẵn trên thị trường, và bạn sử dụng giống như hướng dẫn trên tờ hướng dẫn sử dụng được đăng kí, có thể sử dụng thuốc lâu dài nếu là các thuốc có thành phần là nam dược như san hô xanh, thượng nhĩ tử… Bạn có thể có tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng trước khi sử dụng cho phù hợp (nếu có điều kiện).

- Sử dụng nước muối 0,9% dưới dạng dịch truyền hoặc các lọ nhỏ tùy theo nhu cầu của bạn. Tất nhiên bạn cũng cần lưu ý các đối tượng không được sử dụng nước muối để xúc họng cũng như rửa mũi như những người có rối loạn hấp thu điện giải, các bệnh rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, bệnh thận…

Nếu bạn không mua được các thuốc sát khuẩn, bạn có thể tự pha nước muối nhạt như nước canh, muối thường dùng là muối mỏ hoặc muối biển. Bạn có thể pha ¼ muỗng café muối trong 200ml nước sôi để nguội (nước lọc), hoặc từ 1-9g muối trong 1 lít nước tùy theo mức độ bạn thấy phù hợp với bản thân, nhất là những người có tiền sử tăng huyết áp hoặc rối loạn điện giải, tỷ lệ này cần có sự tham khảo của bác sĩ.

2. Cách thức thực hiện vệ sinh mũi

Không nên dùng cả xilanh bơm thẳng vào mũi hoặc cho mũi vào bát nước muối pha và hít rồi xì mạnh vì làm như vậy dưới áp lực của động tác bơm rửa và hít sẽ phá vỡ các liên kết của lớp thảm nhầy trên bề mặt lông chuyển mũi, làm tổn thương các tế bào biểu mô của mũi sẽ làm cho virus dễ dàng xâm nhập vào trong các tế bào hơn và dễ gây bệnh.

Đồng thời với một lượng nước lớn vào mũi, bạn sẽ phải xì ra, động tác này tạo áp lực lớn làm một phần dịch ra phía cửa mũi trước, nhưng một phần sẽ cùng với các dị nguyên từ mũi chui vào trong các xoang và tai qua các lỗ thông. Trường hợp trẻ nhỏ mà bơm rửa như vậy, phản xạ nuốt của trẻ không kịp sẽ dẫn đến sặc dịch vào phổi (đã xảy ra một số trường hợp phải cấp cứu như trường hợp ở Bắc Ninh mà các báo đã đưa tin).

Bạn nên cho nước muối vào một lọ để nhỏ vài ba giọt vào từng mũi rồi khịt xuống họng và nhổ nhẹ nhàng ra ngoài (ở các lavabo trong nhà và xả sạch).

Bạn có thể sử dụng một số tinh dầu, lá có chứa methol… để khí dung làm sạch mũi như trầu không, bạc hà, khuynh diệp, bưởi, chanh… hoặc vỏ bưởi, vỏ chanh nhưng pha thật loãng. Bạn có thể kiểm tra bằng cách như thử ra tay vùng da mỏng nhất và không thấy mùi khó chịu bay lên mũi.

Bạn có thể đun nóng các dung dịch này, lấy giấy bìa cứng làm phễu, để mũi cách phễu 40cm và hít nhẹ nhàng, mỗi nhịp hít vào giữ khoảng 3-5 phút rồi thở ra hoặc sử dụng máy khí dung cá nhân, mỗi lần khí dung khoảng 2ml.

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống

.
.
.