Thứ Hai, 18/04/2022, 11:03 (GMT+7)
.

Lái máy bay phun thuốc trên vườn cây "bạc tỷ"

Hình ảnh máy bay không người lái (drone) phun thuốc trên cánh đồng lúa không còn xa lạ với người dân Tiền Giang. Thiết bị này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất đối với vườn cây ăn trái, đặc biệt là đối với người trồng sầu riêng, mà còn giúp nông dân giảm tiếp xúc với chất độc hại.

Chị Ngô Thị Tuyết Vân (ấp 3, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) cho biết, trước đây, 1 ha trồng sầu riêng của nhà chị được phun thuốc bằng phương pháp truyền thống nên tốn khá nhiều thời gian, chi phí cho mỗi lần phun cao. Từ ngày chị Vân thuê drone phun thuốc cho vườn nhà, vườn sầu riêng không chỉ cho năng suất trái cao, mà chi phí phun thuốc cũng rất thấp, chỉ bằng 50% so với trước đây. Lượng thuốc phun ra toàn vườn khá đều.

Thiết bị máy bay không người lái phun thuốc không còn xa lạ với nông dân trồng sầu riêng  ở huyện Cai Lậy.
Thiết bị máy bay không người lái phun thuốc không còn xa lạ với nông dân trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy.

Còn theo anh Nguyễn Văn Tài (xã Long Tiên, huyện Cai Lậy), ưu điểm của thiết bị này đối với nhà vườn là tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả phun thuốc trên diện rộng với độ chính xác cao, không chồng lối, sót lối, giảm lượng thuốc từ 10% - 15%. Khi phun xịt bằng béc phun tự động ở vườn sầu riêng, thuốc sẽ bị hao hụt rất nhiều do nhiều vị trí béc đặt trên ngọn nên thuốc phun đến phần thân cây khá ít, có chỗ thuốc không phun đến được.

Anh Đinh Minh Thiện (xã Phú Quý, huyện Châu Thành), chủ thiết bị bay không người lái cho biết, drone có thể đạt độ cao tối đa lên đến 30 m, tốc độ tối đa 7 m/s, bán kính hoạt động 500 m, phạm vi phun rộng tới 10 m, sử dụng bản đồ nông nghiệp thông minh, định vị vùng bay chính xác đến từng cm nên phun thuốc khá hiệu quả đối với vườn sầu riêng.

Ngoài ra, drone rất cơ động và nhỏ gọn (nặng 23 kg) nên người đi phun thuốc chỉ cần dùng xe máy để vận chuyển, rất thuận tiện đi sâu vào cánh đồng hay vườn cây ăn trái. “Khi phun trên lúa, tỷ lệ trải đều trên diện tích lớn mang lại hiệu quả tối ưu. Lượng nước phun 2 lít/công, thời gian phun 1 phút/công, tốc độ bay 7 m/s, độ cao từ 3 - 5 m.

Còn đối với cây ăn trái như sầu riêng, chanh, cam, bưởi, mít..., cây cao lớn, tán rộng, tầng lá dày và nhiều tầng nên cần phương pháp bay khác so với trên lúa. Lượng nước phun 8 - 15 lít/công, thời gian phun 7 phút/công, tốc độ bay 1 - 2 m/s, độ cao từ 7 - 25 m” - anh Thiện cho biết thêm.

Những năm gần đây, việc sử dụng drone phun thuốc được xem là giải pháp tối ưu cho nông nghiệp trong thời đại 4.0, giúp nông dân tiết kiệm thời gian, lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm 20%, giảm công lao động, tăng hiệu suất lao động, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao; thích hợp cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đặc biệt, thiết bị này giúp nông dân giảm tiếp xúc trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí, nhất là trong điều kiện thiếu lao động như hiện nay.

TUẤN LÂM

.
.
.