Nước sông Mekong tăng cao bất thường giữa mùa khô
Mực nước sông Mekong gần đây tăng 20-30% so với cùng kỳ nhiều năm trước giúp các tỉnh miền Tây giảm hạn mặn, song chuyên gia nhận định sẽ để lại những tác động tiêu cực.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long tăng dần, cao hơn trung bình nhiều năm, dự báo trong tháng 4 cao hơn 15-20%, hai tháng tiếp cao hơn 20-30%. Dòng chảy tăng bất thường do đập thủy điện ở Trung Quốc tăng xả.
Nước sông Tiền đoạn qua Đồng Tháp, dâng cao thời gian gần đây. Ảnh: Ngọc Tài |
Số liệu từ Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, mực nước thực đo cao nhất ngày 21-4 tại trạm Tân Châu (sông Tiền) là 1,45 m cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,4 m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,5 m. Tương tự, trạm Châu Đốc (sông Hậu) là 1,65 m, cao hơn cùng kỳ 0,5 m và cao hơn trung bình nhiều năm 0,7 m.
Theo Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc đã tăng 1.000 m3 mỗi giây lên 5.600 m3/s. Trong tháng 3/2022, tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này đạt khoảng 12,3 tỷ m3 cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 30%.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết trong điều kiện thời tiết bình thường như năm 2021 các đập thủy điện thượng nguồn tích đủ nước sẽ xả để phát điện vào mùa khô năm sau. Trước mắt, lượng nước này giúp giảm hạn mặn cho các tỉnh miền Tây, song để lại những tác động tiêu cực, lâu dài.
Cụ thể, việc xả lũ vào mùa khô sẽ khiến dòng chảy mùa lũ (tháng 7, 8, 9) yếu đi, khiến cát, phù sa - vốn đã bị các đập chặn lại một lượng đáng kể nay càng ít về Đồng bằng sông Cửu Long. Việc thiếu phù sa, cát làm tăng nguy cơ sạt lở ở miền Tây. Lũ biến mất bên cạnh đất đai bạc màu, nguồn thủy sản tự nhiên mùa lũ sẽ càng khan hiếm. Ngoài ra, xả lũ trong mùa khô từng đợt khiến mực nước biến động bất thường, hệ sinh thái bị rối loạn.
Ông Thiện cho biết có ba nhóm vấn đề mà miền Tây đối mặt: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển thiếu bền vững nội tại; tác động từ phía thượng nguồn Mekong. Trong đó, hai nhóm vấn đề đầu đang dần được người dân miền Tây thích ứng, khắc phục, cùng với hỗ trợ của những chính sách phát triển như Nghị quyết 120, cải cách nông nghiệp, quy hoạch vùng... Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu trước vấn đề đập thủy điện ở thượng nguồn.
(Theo thesaigontimes.vn)