Một tấm gương đam mê nghiên cứu khoa học
Hơn 30 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, thú y, Tiến sĩ (TS) Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Với đam mê nghiên cứu khoa học, những đề tài nghiên cứu của TS. Hiếu đều hướng tới giải quyết một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn của lĩnh vực chăn nuôi và thú y.
TS. Hiếu (bìa phải) tại Lễ tôn vinh danh hiệu “Trí thức KH&CN tiêu biểu” tỉnh Tiền Giang năm 2018. |
ĐƯA CÔNG NGHỆ VÀO QUẢN LÝ DỊCH BỆNH
Với nhiệm vụ được phân công phụ trách, TS. Hiếu cùng với bộ phận chuyên môn đã nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp giúp cho công tác quản lý lĩnh vực đạt hiệu quả cao nhất. Về lĩnh vực chăn nuôi, TS. Hiếu chỉ đạo bộ phận chuyên môn hướng dẫn chủ cơ sở áp dụng mô hình chăn nuôi cải tiến, mô hình VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin, mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi…
Hơn 30 năm qua, với sự phấn đấu không mệt mỏi cùng những thành tích đã đạt được trong công tác quản lý lĩnh vực cũng như trong nghiên cứu khoa học, TS. Thái Quốc Hiếu vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 3 Bằng Lao động sáng tạo, UBND tỉnh tặng Bằng khen cùng nhiều danh hiệu cao quý khác, một công trình được công bố trên Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019. Đặc biệt trong năm 2022, TS. Hiếu là trí thức duy nhất của Tiền Giang trong số 109 trí thức cả nước được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam xét chọn tôn vinh danh hiệu “Trí thức KH&CN tiêu biểu toàn quốc”. |
Trong lĩnh vực thú y, bên cạnh triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật và thủy sản được UBND tỉnh phê duyệt hằng năm, TS. Hiếu còn chỉ đạo, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi ứng dụng chuyển đổi số, hệ thống phần mềm VAHIS giúp cập nhật, báo cáo tình hình dịch bệnh trên động vật được nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Nhờ vậy, một số bệnh nguy hiểm trên động vật cạn và thủy sản cơ bản được kiểm soát tốt như: Bệnh từ động vật lây truyền sang người; dịch tả heo châu Phi và bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Khi xảy ra dịch bệnh, TS. Hiếu luôn phối hợp các ngành liên quan, địa phương và thú y cơ sở kịp thời có mặt tại vùng dịch để xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kết luận bệnh làm cơ sở để đề xuất ngành liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xem xét cho chủ trương tiêu hủy và hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi.
ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Bên cạnh làm tốt công tác quản lý, chuyên môn, TS. Hiếu còn đam mê nghiên cứu khoa học. Đến nay, TS. Hiếu đã có khoảng 40 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc gia và 8 bài báo quốc tế; chủ trì hoặc cộng tác thực hiện trên 12 đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh; trong đó, có 6 đề tài do TS. Hiếu làm chủ nhiệm được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh xếp loại xuất sắc.
Những đề tài nghiên cứu của TS. Hiếu đều xuất phát từ thực tế và nhằm giải quyết một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thuộc lĩnh vực chăn nuôi và thú y nên được đánh giá cao về hiệu quả ứng dụng sau nghiệm thu. Trong đó, Đề tài “Khảo sát đáp ứng miễn dịch đối với liên cầu khuẩn bằng vắc xin tại chỗ trên đàn heo quy mô trang trại tại tỉnh Tiền Giang” được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh xếp loại A và được trao giải Khuyến khích “Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2017”.
TS. Hiếu cho biết, mỗi đề tài nghiên cứu của mình đều gắn với việc hướng dẫn, đào tạo từ 1 - 2 học viên cao học. Đến nay, TS. Hiếu đã hướng dẫn trên 30 học viên sau đại học (trong đó có 3 nghiên cứu sinh); thường xuyên được Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Cần Thơ mời tham gia Hội đồng đánh giá luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ.
Ngoài các đề tài KH&CN cấp tỉnh, TS. Hiếu còn được đơn vị phân công cộng tác với một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu ở trong và ngoài nước để triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề tài, dự án quy mô lớn và có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.
HUỲNH VĂN XĨ