Thứ Năm, 12/05/2022, 20:21 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Phấn đấu đến năm 2030 thuộc top 20 về chuyển đổi số

(ABO) Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 8 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức vào chiều 12-5.

a
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị.

Những năm qua, Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Hạ tầng viễn thông bao phủ và thông suốt, mạng cáp quang đã phủ đến 100% xã, phường, thị trấn; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai liên thông từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị đối với công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin có sự chuyển biến tích cực. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh được xếp hạng khá so với cả nước, cụ thể Tiền Giang đạt hạng 5/63 tỉnh, thành phố năm 2019 và hạng 16/63 tỉnh, thành phố năm 2020.

Tuy nhiên, tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh vẫn còn bất cập, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa đồng bộ, chưa có một cơ sở dữ liệu chung, liên thông toàn tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc cung cấp các thủ tục hành chính công trực tuyến ở mức độ cao phục vụ người dân chưa đạt hiệu quả. Nhiều hệ thống thông tin còn rời rạc, chưa tích hợp, liên thông và chia sẻ.

Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc của một số ngành còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, thủ công. Ngành Công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh chưa phát triển. Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp và nhân dân còn hạn chế. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thấp. Số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp của tỉnh chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại.

a
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra mục tiêu đến năm 2025, xây dựng hạ tầng số đạt và vượt các tiêu chí đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; phấn đấu hoàn thành các nền tảng cho Chính quyền số, an toàn và an ninh mạng. Bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình của cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành xây dựng đô thị thông minh cho TP. Mỹ Tho. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; phấn đấu đưa Tiền Giang thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị lãnh đạo các cấp cần xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các sở, ngành tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, thường xuyên tổ chức tập huấn và tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền; thành lập các Ban chỉ đạo về chuyển đổi số ở từng cấp chính quyền. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, tham mưu cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong quá trình chuyển đổi số; triển khai hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc chuyển đổi số…

LÊ MINH

.
.
.