Thứ Bảy, 11/06/2022, 16:18 (GMT+7)
.

Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 11/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

b

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh trao đổi với các đại biểu về mục đích của chuyển đổi số trong cơ quan báo chí. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tham dự hội thảo có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông; PGS,TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện các đơn vị nghiên cứu, đào tạo…

Được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, các nhà báo thảo luận, phản biện, bổ sung thêm nhiều góc nhìn khác nhau về chuyển đổi số báo chí cũng như Chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ.

b

PGS,TS Đặng Thị Thu Hương phát biểu khai mạc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Phát biểu khai mạc, PGS,TS Đặng Thị Thu Hương cho biết hội thảo là sự kiện khoa học thường niên trong khuôn khổ “Diễn đàn báo chí tháng 6” do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông phối hợp Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức, với mục tiêu tăng cường đối thoại, thúc đẩy sáng kiến ý tưởng, tăng cường hợp tác nghiên cứu và hành động cho sự phát triển bền vững của báo chí Việt Nam.

“Diễn đàn Báo chí tháng 6” năm 2022 lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo đó, việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.

PGS,TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số.

Sự phát triển của báo chí, truyền thông số là một trong những chủ đề chính yếu mà Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông xây dựng các chương trình đào tạo, các đề tài nghiên cứu cũng như các hoạt động kết nối cộng đồng - bà Hương cho hay.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, PGS,TS Đặng Thị Thu Hương gửi lời chúc mừng và tặng bó hoa tươi thắm đến các nhà báo tham dự hội thảo. Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân,  Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đại diện các nhà báo nhận hoa chúc mừng.

b

Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Thay vì đọc báo một cách truyền thống như trước đây, phần lớn độc giả ngày nay tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí một cách ngẫu nhiên qua những thuật toán, tin tức được gợi ý.

Ông Lâm cho biết, nhiều người nói rằng để lên không gian số thì cơ quan báo chí phải đầu tư, sử dụng nền tảng riêng, cũng có ý kiến cho rằng phải sử dụng nền tảng của bên thứ ba. Theo Cục trưởng Cục báo chí, nói đến đầu tư thường nói đến đầu tư của Nhà nước, tuy nhiên vấn đề đầu tư Nhà nước ở đây không phải lúc nào cũng là ngân sách, mà Nhà nước kéo tất cả các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái cung cấp nội dung số vào cuộc chơi chung.

Ông Lâm nhấn mạnh, so với việc tự đầu tư hạ tầng thì các cơ quan báo chí Việt Nam có thể chọn một phương án thực dụng hơn, đó là sử dụng hạ tầng của bên thứ ba, nhưng phải kiểm soát được các vấn đề như dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên nội dung số của các cơ quan báo chí…

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết, thời gian qua, câu chuyện chuyển đổi số được nhắc đến trong hầu hết các lĩnh vực. Trong lĩnh vực báo chí, nhiều tòa soạn và phóng viên không có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về chuyển đổi số.

Chia sẻ về một số kết quả chuyển đổi số nổi bật của Báo Nhân Dân thời gian qua, ông Lê Quốc Minh cho biết Báo Nhân Dân đã và đang có nhiều thay đổi như sử dụng QR Code để giới thiệu nội dung, thay đổi măng sét, cấu trúc lại nội dung và các loại tin tức. Theo đó, quan điểm “digital first” đang được áp dụng tại Báo Nhân Dân một cách triệt để. Ngoài ra, Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh thông tin trên nền tảng số để tiếp cận nhanh hơn tới độc giả theo cách thức “đa nền tảng”, trong đó có cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok…

Về một số giải pháp và kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số trong thời gian tới, cụ thể là với Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho biết sẽ thực hiện quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism).

Cùng với đó là chủ trương đa dạng hóa nguồn thu; trực tiếp thu thập dữ liệu độc giả (first-party data); hợp tác phát hành nội dung trên nhiều nền tảng phi báo chí…

Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, Báo Nhân Dân đang cố gắng trở thành trung tâm kết nối dữ liệu và công nghệ cho hệ thống báo Đảng thuộc 63 tỉnh, thành phố, và phấn đấu với phương châm “Nơi nào có nhân dân, nơi đó có báo Nhân Dân”.

Hội thảo khoa học diễn ra theo 2 phiên với các chủ đề “Chiến lược chuyển đổi số báo chí - Tầm nhìn năm 2030” và “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những điểm nhìn từ thực tiễn”.

Tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý báo chí, nhà báo gửi tới hội thảo tập trung vào một số chủ đề như: Báo chí số - Nhìn lại 30 năm nghiên cứu và triển vọng phía trước; Quản trị tại các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số; Mô hình tòa soạn hội tụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; Phát triển chiến lược kinh doanh nội dung số: kinh nghiệm từ báo chí thế giới; Những đặc điểm của xã hội số và cơ hội, thách thức đối với chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam từ góc nhìn độc giả; Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí: Thực tiễn và các vấn đề pháp lý; Chuyển đổi số báo chí - Chuyển đổi từ nhận thức; Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số báo chí; Phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới…

Trao đổi cùng các đại biểu về mục tiêu tại sao phải chuyển đổi số, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khẳng định, chuyển đổi số trước hết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí, phải chuyển đổi số thì mới giữ chân được độc giả, duy trì sự ảnh hưởng và thậm chí có thể tăng doanh thu.

Ông Lê Quốc Minh cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số mang tính gợi mở, gợi ý, và mỗi cơ quan báo chí sẽ triển khai theo nhu cầu tự thân. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc đào tạo, trao đổi về các nội dung liên quan chuyển đổi số.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh, chuyển đổi số là điều bắt buộc đối với các cơ quan báo chí nếu muốn tồn tại, bởi độc giả đang có xu hướng xa rời các nền tảng truyền thống và chuyển sang các nền tảng mới. “Chúng ta buộc phải theo đuổi và thậm chí đón đầu các nền tảng mới, nếu làm được điều này chúng ta sẽ sống sót, tồn tại và sau đó mới có thể phát triển được”.

Theo Báo Nhân Dân điện tử

.
.
Thực hiện báo cáo ESG tiêu chuẩn
.