Chàng trai 9X đưa máy bay phun thuốc vào cánh đồng
Đam mê công nghệ và bén duyên với bà con nông dân, chàng kỹ sư 9X Nguyễn Văn Thiên Vũ cùng nhóm bạn cung cấp máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu.
Thay đổi nông nghiệp nhờ mày mò nghiên cứu drone của Thiên Vũ đã có những thành công nhất định. |
Thất bại, nhưng không từ bỏ giấc mơ khởi nghiệp
Chàng trai trẻ xứ Huế sáng lập, mạnh dạn đưa công nghệ vào các cánh đồng lúa chính là Nguyễn Văn Thiên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị bay AgriDrone Việt Nam. Đến nay, máy bay không người lái của AgriDrone đã phủ khắp các cánh đồng rộng lớn, từ Đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh duyên hải miền Trung.
Chia sẻ cơ duyên đến với với công nghệ bay không người lái (drone), Thiên Vũ nhớ lại hành trình khởi nghiệp của mình bắt đầu cách đây 10 năm, từ khi còn là sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM. Vốn say mê công nghệ, Vũ cùng nhóm bạn bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp, thành lập công ty nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ máy bay không người lái. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án thất bại.
Không từ bỏ đam mê, năm 2018, Vũ và nhóm bạn tái khởi động dự án, thành lập AgriDrone.
AgriDrone Việt Nam tự hào là doanh nghiệp ứng dụng drone gần gũi với bà con nông dân khi không chỉ cung cấp thiết bị bay không người lái để ứng dụng cho nông nghiệp, mà còn giúp người nông dân dần thay đổi thói quen canh tác từ truyền thống sang công nghệ, phun thuốc, rải phân hay sạ lúa bằng máy bay không người lái.
Nguyễn Văn Thiên Vũ, sáng lập và điều hành AgriDrone Việt Nam
“Năm ấy, nhóm mang máy bay không người lái đến quảng bá với nông dân ở khu vực miền Tây. Nhiều người nói chúng tôi ‘có vấn đề’, ‘trẻ con’, thậm chí chê chúng tôi không biết gì về nông nghiệp… Nhưng tôi hiểu rất rõ sản phẩm của mình, nắm rõ kỹ thuật, nên rất tự tin”, Vũ kể.
Theo Vũ, với những công nghệ mới, cần có thời gian để thuyết phục người dùng. Bởi vậy, dù bị từ chối, Vũ và đội ngũ của mình vẫn kiên trì. Nhóm thuyết phục những hộ nông dân có diện tích canh tác lớn cho làm thử và chỉ dùng drone vào việc phun thuốc trên một mảnh đất 1 ha, cam đoan nếu đạt kết quả thì mới thu tiền, nếu không thành công, thì sẽ đền bù thỏa đáng cho nông dân.
Sau khi thử sử dụng drone để phun thuốc trong 1 - 2 vụ mùa và thấy hiệu quả, hầu hết nông dân đều có niềm tin vào sản phẩm của AgriDrone. Số lượng khách hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang.
Với những hộ nông dân mua drone, AgriDrone sẽ hỗ trợ nhân viên điều khiển, vận hành, hoặc tập huấn cho bà con tự vận hành. Nếu thuê dịch vụ của AgriDrone, nông dân sẽ trả phí theo diện tích phun thuốc. AgriDrone cũng bán sản phẩm cho hợp tác xã, công ty cung ứng dịch vụ để phục vụ bà con. Tùy theo nhu cầu của khách, AgriDrone cung cấp sản phẩm nhập khẩu, lắp ráp, tự sản xuất.
Hướng đến một nền nông nghiệp sạch
Vũ rất tự hào khi AgriDrone Việt Nam đã phục vụ hơn 3 triệu ha diện tích canh tác nông nghiệp khắp cả nước bằng máy bay không người lái.
Vũ cho biết, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh tốt là lợi ích đầu tiên khi áp dụng công nghệ phun thuốc bằng máy bay không người lái. Thiết bị bay này sử dụng đầu phun với hiệu ứng phun sương cắt nhỏ hạt thuốc thành kích thước siêu nhỏ dạng sương mù, kết hợp với các luồng gió đối lưu từ cánh quạt, hạt thuốc có thể phát tán đều lên mặt trước và mặt sau của lá. AgriDrone Việt Nam có đội ngũ chuyên gia nông nghiệp tư vấn về các kỹ thuật.
So với phương pháp thủ công và cơ giới, hiệu quả phòng dịch khi sử dụng công nghệ drone tăng 15 - 35 %, tiết kiệm 30% lượng thuốc sử dụng và 90% lượng nước tiêu thụ, giảm đáng kể chi phí sản xuất.
Ngoài hiệu quả dập dịch và tiết kiệm chi phí, thì vấn đề về nhân lực cũng được giải quyết khi áp dụng công nghệ drone vào nông nghiệp. Lao động trẻ và trung niên ở nông thôn khan hiếm, giá nhân công ngày càng cao, hơn nữa, thuốc bảo vệ thực vật rất có hại cho cơ thể. Máy bay không người lái được vận hành từ xa, đảm bảo an toàn cho hoạt động phun thuốc.
Vũ và nhóm của mình đã đi khắp cả nước, kể cả sang Lào và Campuchia để làm việc với nông dân, lập trạm phun cung cấp dịch vụ phun thuốc, đưa drone vào các trang trại trồng chuối, thanh long, điều, nho và nhiều loại cây ăn trái...
Thử nghiệm với nhiều loại nông sản, nhưng Vũ vẫn tập trung vào cây lúa với các hội thảo bay thử nghiệm để chứng minh về hoạt động thực tế của ứng dụng drone. Ban đầu, nhiều nông dân cũng nghi ngờ, nhưng khi đã thử, họ sẽ không muốn quay trở lại phương thức phun thuốc nông nghiệp cũ.
Sau khi thành công bước đầu ở miền Tây, Vũ đau đáu đưa công nghệ drone về với quê hương miền Trung. Năm 2019, AgriDrone thành lập trạm phun dịch vụ đầu tiên tại Thừa Thiên Huế, đưa những “chuyến bay drone” cất cánh trên những cánh đồng lúa quê hương.
“Không còn là những chiếc máy bay phun thuốc ‘ở trên tivi’, bà con ở Thừa Thiên Huế đã tận mắt nhìn thấy chúng ở cánh đồng của mình. Họ ngỡ ngàng và vui mừng vì hiệu quả mà máy bay phun thuốc mang đến. Việc canh tác nông nghiệp trở nên dễ dàng hơn, đỡ vất vả hơn kể từ khi ứng dụng máy bay phun thuốc. Không chỉ có phun thuốc, việc ứng dụng máy bay không người lái để gieo sạ hay bón phân cũng sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới”, Vũ chia sẻ.
Mong muốn của Vũ là một nhà máy drone lớn nhất Việt Nam sẽ được xây dựng ngay tại Thừa Thiên Huế, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, phục vụ trong nước và hướng đến khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, AgriDrone có kế hoạch IPO vào năm 2024, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao lên tới 1.000 người vào năm 2025.
Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp