Biến ý tưởng sáng tạo của học sinh thành hiện thực
Thời gian qua, các trường trên địa bàn huyện Châu Thành tích cực tuyên truyền, vận động và khuyến khích các em học sinh (HS) xây dựng ý tưởng tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng (gọi tắt là Cuộc thi) huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và đã đạt được những kết quả tích cực.
Ban Tổ chức Cuộc thi trao giải cho các em học sinh đạt giải cao. |
ƯƠM MẦM NHỮNG ƯỚC MƠ
Cuộc thi huyện Châu Thành lần thứ XIV năm 2021 - 2022 có 40/67 trường tham gia với 77 sản phẩm có chất lượng dự thi ở 4 lĩnh vực, trong đó mầm non 6/23 trường, 8 sản phẩm; tiểu học (TH) có 20/23 trường với 53 sản phẩm; trung học cơ sở (THCS) 12/16 trường, 14 sản phẩm và trung học phổ thông (THPT) 2/5 trường với 2 sản phẩm. Nhiều mô hình, sản phẩm dự thi đảm bảo các tiêu chí tính mới, sáng tạo và có khả năng ứng dụng cao trong quá trình học tập, sản xuất và sinh hoạt hằng ngày.
Hằng năm, Cuộc thi cần đánh giá kết quả và có các hình thức tuyên dương khen thưởng kịp thời để tạo động lực cho các em tham gia, duy trì tốt phong trào; có chế độ đãi ngộ cho các cán bộ, GV tham gia bồi dưỡng, tư vấn, hướng dẫn cho HS tham gia đoạt giải Cuộc thi cấp huyện trở lên
PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CHÂU THÀNH NGUYỄN PHỤC QUANG
|
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Cuộc thi huyện lần thứ XIV, từ những ước mơ, ý tưởng giải quyết các yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống thường ngày, thậm chí tận dụng những vật liệu có sẵn, các em làm ra những vật dụng sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em như: Máy lột dừa khô, anten kỹ thuật số, băng tải hàng phòng, chống Covid-19, chiếc hộp kì diệu, máy bán hàng đa năng, trò chơi bowling, quyển sách thần kỳ, mô hình trò chơi học tập… thể hiện sự sáng tạo, có kỹ thuật, tinh tế, nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Cuộc thi huyện lần thứ XIV nhận được nhiều mô hình, sản phẩm quan tâm đến đời sống, sản xuất với ước mơ nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế như: Hệ thống tưới nước, tưới phân, phun thuốc tự động, ứng dụng IOT vào trong giám sát ao nuôi tôm, dụng cụ lấy nước dừa tươi...
Đồng thời, nhiều mô hình của các em rất quan tâm đến môi trường sống nên đã có ý tưởng làm các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Mô hình “Save the Earth” từ vật liệu tái chế, Tranh hạt gạo, Đèn ngủ từ bút bi, Bó hoa sắc màu yêu thương, Tranh vỏ nghêu, Nhà sàn miền Tây thập niên 70... Các sản phẩm khá phong phú về các lĩnh vực, đặc biệt có cả các sản phẩm phục vụ hỗ trợ cộng đồng như: Mô hình Tàu biển, Đèn chùm hoa sen, Thùng rác thông minh...
Theo kết quả, Ban Giám khảo, Ban Tổ chức Cuộc thi huyện lần thứ XIV đã quyết định chọn trao giải cho 19 sản phẩm, trong đó 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. 3 giải Nhất Cuộc thi thuộc về các sản phẩm: “Anten kỹ thuật số” của Nguyễn Thị Kim Quyên (học sinh Trường THPT Dưỡng Điềm; sản phẩm “Băng tải hàng phòng, chống Covid-19” của Nguyễn Đông Sang (học sinh Trường THCS Bùi Văn Hòa); sản phẩm “Tranh hạt gạo” của Lê Minh Nghị, Nguyễn Thành Tài, Lê Hồng Yến (học sinh Trường TH Tam Hiệp).
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành Võ Văn Dũng cho biết, những mô hình, sản phẩm đoạt giải Cuộc thi huyện tuy còn ít so với tiềm năng của các em trong lứa tuổi, nhưng đã thực sự có sức sống, phản ánh sự phát triển của khoa học - kỹ thuật từ thực tiễn trong học tập, sản xuất và đời sống hằng ngày. Nhiều mô hình, sản phẩm có giá trị kinh tế - xã hội, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong giảng dạy, học tập, trong đời sống thường ngày. Các mô hình, sản phẩm đoạt giải đã đi sâu vào tiềm thức của lứa tuổi thanh niên, thiếu niên và nhi đồng và là niềm tự hào của các nhà sáng tạo trẻ, giúp các nhà sáng tạo trẻ, các nhà khoa học tương lai tự tin trong học tập, tiếp tục sáng tạo và ứng dụng sáng tạo vào học tập, sản xuất và đời sống.
ĐỂ CUỘC THI ĐƯỢC NÂNG CHẤT
Theo đánh giá của Ban tổ chức Cuộc thi, qua 2 năm thực hiện, Cuộc thi huyện vẫn còn có một số sản phẩm tác giả chưa thể hiện được ý tưởng sáng tạo hoặc có ý tưởng nhưng không áp dụng được vào thực tế hoặc là sự sao chép từ những sản phẩm đã có. Ngoài ra, còn một số đơn vị chưa thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện tiến độ Cuộc thi, một số sản phẩm đã không kịp hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra; chưa phát huy tối đa phong trào khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong toàn huyện. Bên cạnh, công tác tuyên truyền, phát động Cuộc thi ở cơ sở chưa thật sâu rộng và đồng đều.
Do đó, trong thời gian tới Cuộc thi cần được các trường học trên địa bàn huyện chủ động hơn, triển khai đầy đủ, kịp thời. Thầy Dư Công Chí, Hiệu trưởng Trường THCS Bùi Văn Hòa cho rằng, lãnh đạo nhà trường phải quán triệt, tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa Cuộc thi đến giáo viên (GV) và phụ huynh HS; chỉ đạo sâu sát và kiểm tra giám sát Cuộc thi một cách chặt chẽ. Đồng thời, Ban Tổ chức phải có chế độ khen thưởng kịp thời cho HS, GV khi tham gia đoạt giải và không tạo áp lực cho HS, GV chủ nhiệm, GV bộ môn khi tham gia Cuộc thi.
Cùng với đó là tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia Cuộc thi để tạo mối liên hệ mật thiết giữa 3 môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội. Từ đó, HS sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Cuộc thi và hiểu được các lĩnh vực dự thi; đồng thời, phụ huynh sẽ gắn kết với nhà trường hỗ trợ HS tham gia Cuộc thi do các cấp tổ chức.
Theo đồng chí Võ Văn Dũng, thời gian tới các trường mầm non, TH, THCS, THPT trên địa bàn huyện cần chủ động hơn, triển khai đầy đủ, kịp thời về Cuộc thi đến tất cả học sinh. Các thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện, các ban, ngành, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện tăng cường trong công tác phối hợp tuyên truyền về mục đích - ý nghĩa Cuộc thi bằng nhiều hình thức, thường xuyên theo dõi, đôn đốc các trường quan tâm chỉ đạo theo các nội dung và nắm bắt tiến độ Cuộc thi.
“Các trường học cần chú trọng tổ chức tuyên truyền, phát động Cuộc thi ở cơ sở thật sâu rộng ở tất cả các bậc học, nhất là các trường mầm non, THPT, phát huy tối đa phong trào để khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong toàn huyện, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo”- đồng chí Võ Văn Dũng chia sẻ thêm.
TUẤN LÂM