.

Phát hiện dấu vết CO2 trong khí quyển ngoại hành tinh WASP-39

Cập nhật: 15:25, 29/08/2022 (GMT+7)

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng việc phát hiện khí CO2 sẽ giúp các nhà khoa học xác định rõ hơn cách thức hình thành hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời, có tên khoa học là WASP-39.

WASP-39 là hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời. Nguồn: NASA
WASP-39 là hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời. Nguồn: NASA

Kính viễn vọng James Webb đã phát hiện những dấu vết của khí CO2 trong bầu khí quyển của một hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời (ngoại hành tinh) có tên khoa học là WASP-39.

Mặc dù chúng ta biết rằng môi trường ngoại hành tinh không nuôi dưỡng được sự sống, nhưng việc phát hiện được CO2 mang lại cho giới khoa học hy vọng có thể thực hiện những quan sát tương tự trên các hành tinh đất đá có khả năng nuôi dưỡng sự sống hơn.

Trên mạng xã hội Twitter, giáo sư Đại học California tại Santa Cruz (Mỹ) Natalie Batalha cho rằng đây là một phát hiện quan trọng đối với lĩnh vực khoa học vũ trụ, tạo điều kiện cho việc tiến hành những khám phá sâu rộng mới về bầu khí quyển của các hành tinh đất đá.

Hành tinh đất đá là các hành tinh có cấu trúc và tính chất giống các hành tinh vòng trong của Hệ Mặt Trời, với bề mặt chắc cứng, khối lượng khá thấp, trọng lượng riêng cao, chứa nhiều sắt và các kim loại nặng.

Chia sẻ với báo giới, nhà vật lý thiên văn thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (CEA) của Pháp, ông Pierre-Olivier Lagage, cho rằng phát hiện trên mở ra cánh cửa cho các nghiên cứu trong tương lai về siêu Trái Đất (các hành tinh lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn sao Hải Vương) hoặc thậm chí là các hành tinh có kích thước bằng Trái Đất.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết việc phát hiện khí CO2 cũng sẽ giúp các nhà khoa học xác định rõ hơn cách thức hình thành hành tinh WASP-39.

Ngoại hành tinh này là một khối khí nóng khổng lồ quay quanh một ngôi sao cách nó 700 năm ánh sáng. WASP-39 có khối lượng bằng 1/4 sao Mộc nhưng đường kính lớn hơn 1,3 lần và mất khoảng 4 ngày Trái Đất để hoàn thành vòng quay quanh ngôi sao của nó.

Với tần suất quỹ đạo và bầu khí quyển lớn như vậy, WASP-39 là "ứng cử viên" lý tưởng cho cuộc thử nghiệm ban đầu về cảm biến hồng ngoại hiện đại NIRSpec của kính James Webb.

Cảm biến hồng ngoại này có độ nhạy cao, có thể phát hiện những thay đổi nhỏ trong tác động của bầu khí quyển đối với ánh sáng, cho phép các nhà khoa học xác định thành phần khí của hành tinh, theo đó giúp họ xác định cụ thể lượng chất rắn so với lượng chất khí trong quá trình hình thành hành tinh khí khổng lồ này.

Kính viễn vọng Hubble và Spitzer trước đây đã phát hiện hơi nước, natri và kali trong khí quyển của WASP-39.

Trong thông cáo báo chí của NASA, nhà nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, ông Zafar Rustamkulov, nhận định rằng phát hiện mới này đánh dấu một khoảnh khắc đặc biệt, vượt qua một ngưỡng quan trọng trong khoa học ngoại hành tinh.

Nghiên cứu về ngoại hành tinh WASP-39 sẽ được công bố trên tạp chí Nature.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-dau-vet-co2-trong-khi-quyen-ngoai-hanh-tinh-wasp39/813171.vnp)

.
.
.