Thứ Hai, 22/08/2022, 20:20 (GMT+7)
.

Sinh vật ký sinh kỳ lạ chuyên hút sạch máu ở lưỡi của vật chủ

Cymothoa exigua là loài ký sinh chuyên bám vào phần lưỡi của những vật chủ là cá. Rận sẽ chặn đứng dòng máu chạy tới lưỡi, khiến nó bị hoại tử và rụng đi, để chúng biến thành phần lưỡi mới.

Hình ảnh rận sống ký sinh trong miệng cá có thể khiến người ta rùng mình sợ hãi. (Nguồn: Oddity Central)
Hình ảnh rận sống ký sinh trong miệng cá có thể khiến người ta rùng mình sợ hãi. (Nguồn: Oddity Central)

Cymothoa exigua là một trong số ít những ví dụ cụ thể cho cụm từ "ác mộng là gì". Trong những hình ảnh được chụp lại và chia sẻ trên mạng Internet, người ta có thể thấy chúng là những sinh vật có màu trắng, nhiều chân, thò ra từ miệng của một con cá đang còn sống.

Loài rận này sẽ đi vào cơ thể cá thông pha phần mang. Chúng bám vào mang cá để hút máu, sống ở đó cho đến khi trưởng thành và đến thời điểm này sẽ chuyển giới tính từ đực sang cái.

Sau khi quá trình đổi giới tính hoàn tất, rận bắt đầu tìm đường đến miệng cá. Ở đây, nó dùng những cái chân cực khỏe để bám vào lưỡi vật chủ. Sau đó, nó cắn vào lưỡi cá và hút máu ra khỏi bộ phận này.

Vấn đề là các mạch máu ở lưỡi cá không đủ để thỏa mãn cơn thèm ăn của rận. Nó sẽ liên tục hút máu, khiến lưỡi cá bị cắt khỏi nguồn dinh dưỡng, dần khô héo và rụng đi.

Việc mất lưỡi sẽ không khiến con cá chết đi. Điều kinh ngạc là rận ăn lưỡi lại trở thành vật thay thế cho thứ mà nó lấy đi. Và nghe có vẻ khó tin nhưng con cá bị rận ăn lưỡi còn có thể sống tốt và thậm chí phát triển mạnh hơn nhờ loại ký sinh trùng này.

Có thể nói rằng Cymothoa exigua là sinh vật duy nhất được biết đến với khả năng biến bản thân thành một cơ quan của vật chủ mà không giết chết sinh vật bị kí sinh.

Sau khi thay thế lưỡi của vật chủ, rận sẽ bám vĩnh viễn vào phần gốc chiếc của lưỡi, tồn tại nhờ chất nhầy và máu mà chúng tìm thấy trong khoang miệng. Miệng cá cũng chính là nơi loài ký sinh trùng này sinh sản.

Cụ thể, nếu bất kỳ con rận đực nào xâm nhập vào cá qua phần mang, nó sẽ tìm đường đến vùng miệng và giao phối với con cái. Sau đó con cái sinh ra một loạt những ký sinh trùng non, khiến chu kì đáng sợ này có cơ hội lặp lại.

Rận ăn lưỡi trong miệng một con cá hồng. Nguồn: Oddity Central
Rận ăn lưỡi trong miệng một con cá hồng. Nguồn: Oddity Central

Cymothoa exigua là loài khá phổ biến, sinh sống rải rác từ Vịnh California ở Mỹ đến Vịnh Guayaquill ở Ecuador, cũng như các vùng biển ở Đại Tây Dương. Dù loài rận này có khả năng ký sinh trên 7 loài cá khác nhau, vật chủ được chúng ưa thích nhất là cá hồng.

Rận ăn lưỡi không gây nguy hiểm nghiêm trọng tới con người, ngoại trừ khả năng chúng có thể cắn ngón tay nếu ai đó cố tách chúng ra khỏi vật chủ.

Tuy nhiên loài rận này từng là lý do để người ta đâm đơn kiện một chuỗi siêu thị lớn ở Puerto Rico, vì nhiều con cá hồng ở đây được phát hiện bị rận ăn lưỡi sống ký sinh trong miệng.

Những người khởi kiện nói rằng họ bị ngộ độc sau khi ăn nhầm phải thịt rận. Tuy nhiên đơn kiện đã bị bác bỏ với lý do rận ăn lưỡi không gây độc với con người.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/sinh-vat-ky-sinh-ky-la-chuyen-hut-sach-mau-o-luoi-cua-vat-chu/812188.vnp)

.
.
.