Thứ Hai, 15/08/2022, 17:26 (GMT+7)
.

Tiền Giang: 29 mô hình, sản phẩm đoạt giải cao Cuộc thi sáng tạo trẻ

(ABO) Ngày 15-8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang báo cáo tổng kết Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (gọi tắt là Cuộc thi) tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2021 - 2022.
Ban tổ chức Cuộc thi đánh giá kết quả trong thời gian qua.
Ban Tổ chức Cuộc thi tỉnh đánh giá kết quả Cuộc thi tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2021 - 2022.

Sau 1 năm triển khai, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện đã nhận 1.014 mô hình, sản phẩm tham dự thuộc các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến từ 11 đơn vị huyện, thành phố, thị xã.

Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện đã xét chọn 105 mô hình, sản phẩm đoạt giải cao tham gia cấp tỉnh phân chia theo lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập (18), phần mềm tin học (6), sản phẩm thân thiện với môi trường (17), dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em (25), bảo vệ môi trường - phát triển kinh tế (39).

Trong đó, có 29 mô hình, sản phẩm với số điểm nằm trong khung điểm đoạt giải gồm 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 20 giải Khuyến khích (không có giải Đặc biệt) được Hội đồng Giám khảo đề xuất trao giải và dự thi toàn quốc.

Tham quan một số mô hình đoạt giải cao.
Tham quan một số mô hình, sản phẩm đoạt giải cao.

Theo đánh giá Ban Tổ chức, Cuộc thi tỉnh năm nay thu hút nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo từ các huyện, thị, thành tham gia; chất lượng cũng được nâng lên; một số mô hình, sản phẩm đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật, thân thiện với môi trường, có khả năng ứng dụng vào thực tế cuộc sống và trong học tập.

Việc triển khai Cuộc thi theo hình thức hai cấp tiếp tục mang lại hiệu quả, nhất là việc phân bổ kinh phí dành cho hoạt động của Ban Tổ chức Cuộc thi cấp huyện cùng với giá trị giải thưởng được nâng lên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Cuộc thi ở cấp huyện cũng như khuyến khích các em tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo tham gia Cuộc thi.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Cuộc thi vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số đơn vị trường học chưa quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền, vận động các em học sinh tham gia. Đồng thời, việc phân công giáo viên hướng dẫn các em triển khai ý tưởng sáng tạo vẫn còn một số bất cập (chẳng hạn phân công giáo viên tổng phụ trách hướng dẫn các em làm giải pháp thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên sẽ rất khó).
 
Số lượng mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi cũng như khả năng sáng tạo chưa đồng đều ở các cấp học, bậc học. Về lĩnh vực dự thi, phần mềm tin học có số lượng hồ sơ tham gia ít; nhiều mô hình, sản phẩm còn trùng lắp về nội dung, tên gọi. Một số sản phẩm được tác giả thực hiện công phu nhưng phần thuyết minh trình bày còn sơ sài, chưa đầy đủ nội dung theo quy định; một số mô hình, sản phẩm chưa thể hiện tính mới, tính sáng tạo, ý tưởng còn trùng lắp, khả năng ứng dụng không cao...
 
TUẤN LÂM - THU HOÀI
.
.
.