BioNTech sẽ ra mắt vaccine mRNA chống ung thư vào năm 2030
Giáo sư Uğur Şahin và Özlem Türeci mô tả cách thức công nghệ mRNA của BioNTech có thể được tái sử dụng để dạy hệ thống miễn dịch của con người cách tấn công các tế bào ung thư.
Giáo sư Uğur Şahin và Özlem Türeci, người đồng sáng lập BioNTech. Ảnh: BBC |
Một loại vaccine chống ung thư có thể sẽ xuất hiện trên thị trường vào cuối thập kỷ này, theo nhận định của cặp vợ chồng đã đứng sau một trong những loại vaccine chống virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 thành công nhất.
Hai Giáo sư Uğur Şahin và Özlem Türeci, người đồng sáng lập BioNTech, công ty Đức hợp tác với Pfizer để sản xuất loại vaccine mRNA tiên tiến chống COVID-19, cho biết họ đã có những bước đột phá trong việc nghiên cứu chế vaccine chống ung thư.
Phát biểu trong chương trình Sunday của hãng tin BBC, Giáo sư Türeci đã mô tả cách thức công nghệ mRNA của BioNTech có thể được tái sử dụng để dạy hệ miễn dịch của con người cách tấn công các tế bào ung thư.
Khi được hỏi khi nào vaccine chống ung thư dựa trên công nghệ mRNA có thể sẵn sàng để sử dụng cho bệnh nhân, Giáo sư Sahin đưa ra câu trả lời là “trước năm 2030.”
Vaccine mRNA của Pfizer/BioNTech hoạt động bằng cách đưa các hướng dẫn di truyền để tạo protein gai có trên bề mặt virus SARS-CoV-2 vào cơ thể.
Sau khi nhận hướng dẫn, tế bào của con người sẽ tạo ra các protein gai này và kích hoạt cơ chế miễn dịch chống lại bệnh.
Về cơ bản các protein gai đó sẽ trở thành một dạng "áp phích truy nã." Nó sẽ thông báo cho các kháng thể của hệ thống miễn dịch và các hệ thống phòng thủ khác trong cơ thể phải tìm kiếm và tấn công những gì, trong tình huống có sự xâm nhập của virus.
Giáo sư Türeci, Giám đốc y tế của BioNTech, cho biết phương pháp tương tự có thể được thực hiện để dạy hệ thống miễn dịch cách tìm kiếm và tiêu diệt tế bào ung thư.
Loại vaccine mới sẽ chứa trong nó các hướng dẫn di truyền để dạy tế bào tạo ra các kháng nguyên ung thư - cơ bản là các protein bám trên bề mặt của tế bào ung thư. Sau đó cơ thể sẽ dựa vào các protein này để diệt tế bào ung thư.
BioNTech thực tế đã nghiên cứu vaccine mRNA chống ung thư trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tuy nhiên, công ty đã nhanh chóng dồn lực sản xuất vaccine COVID-19 khi thấy tình hình trở nên nghiêm trọng. Công ty hiện có một số loại vaccine ung thư đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Bà Türeci cho biết sự phát triển và thành công của vaccine Pfizer/BioNTech chống COVID-19 đã hỗ trợ hoạt động nghiên cứu vaccine chống ung thư.
Công ty hy vọng sẽ phát triển ra cách thức điều trị ung thư ruột, u ác tính và các loại ung thư khác. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trở ngại lớn đang nằm ở phía trước.
Ví dụ như các tế bào ung thư tạo nên khối u có thể tồn tại nhiều loại protein trên bề mặt nó. Vì thế việc việc tạo ra một loại vaccine có khả năng hướng dẫn cơ thể chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà không tấn công nhầm mô khỏe mạnh là vô cùng khó khăn.
Giáo sư Türeci cho biết rằng BioNTech đã học được phương thức sản xuất vaccine mRNA nhanh hơn trong đại dịch và hiểu rõ hơn về cách hệ miễn dịch của con người phản ứng với vaccine mRNA.
Sự phát triển mạnh mẽ và việc triển khai nhanh chóng hoạt động tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng giúp các cơ quan quản lý dược phẩm tìm ra cách phê duyệt nhanh một loại vaccine.
Theo bà, những điều này chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh việc sản xuất vaccine ung thư của BioNtech.
Nhưng Giáo sư Türeci vẫn thận trọng về công việc mà mình đang theo đuổi. “Với tư cách là các nhà khoa học, chúng tôi luôn do dự khi nói rằng mình sẽ có phương pháp chữa khỏi bệnh ung thư," bà cho biết. "Tuy nhiên hiện nay chúng tôi mới chỉ tạo ra một số đột phá và sẽ cần phải tiếp tục làm việc với chúng".
(Theo https://www.vietnamplus.vn/biontech-se-ra-mat-vaccine-mrna-chong-ung-thu-vao-nam-2030/825083.vnp)