Thứ Sáu, 21/10/2022, 09:25 (GMT+7)
.

Hiệu quả từ nuôi tôm sú mật độ cao trong ao lót bạt

Mô hình Nuôi tôm sú mật độ cao trong ao lót bạt đáy áp dụng cho hộ gia đình do Thạc sĩ Trần Minh Tân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình được thực hiện tại các xã thuộc huyện Gò Công Đông, với tổng diện tích ao nuôi trên 20.000 m2, thực hiện theo từng giai đoạn bố trí mật độ từ tháng 11-2020 đến tháng 4-2022. Cụ thể, mô hình nuôi tôm sú an toàn vệ sinh thực phẩm mật độ cao trong ao lót bạt đáy 2 giai đoạn (giai đoạn 1: Mật độ từ 75 đến 105 con/m2, tỷ lệ sống 80%; giai đoạn 2: Mật độ từ 25 đến 35 con/m2, tỷ lệ sống 80%).

Kiểm tra đánh giá tại mô hình nuôi.
Kiểm tra đánh giá tại mô hình nuôi.

Theo Thạc sĩ Tân, trong những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ thường lạm dụng nhiều hóa chất và thuốc kháng sinh… hoặc một số biện pháp khác thân thiện hơn với môi trường, song dịch bệnh vẫn không thể kiểm soát được, mà còn có chiều hướng gia tăng. Ngoài ra, các phương pháp này quá tốn kém, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, quản lý rất nghiêm ngặt, không thích hợp với đa số người nuôi tôm quy mô nông hộ nhỏ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Chính vì vậy, mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên được thực hiện nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro và có thể áp dụng cho quy mô nuôi tôm sú hộ gia đình hiện nay. Dù chi phí đầu tư cho 1 ha tương ứng với khoảng 948 triệu đồng, thời gian thả tôm giống đến thu hoạch từ 120 - 150 ngày, nhưng năng suất tôm thu được cao hơn 1,5 lần so với mô hình nuôi truyền thống (tỷ lệ sống và năng suất thấp).

Chuyển tôm nuôi từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2.
Chuyển tôm nuôi từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2.

Đồng thời, mô hình nuôi tôm trên theo quy trình khép kín có nhiều ưu thế, như quản lý được dịch bệnh từ ban đầu, quản lý được thức ăn, môi trường, không dùng kháng sinh, mật độ thả nuôi dày, rủi ro tôm chết rất thấp, cho sản phẩm tôm sạch. Nếu người nuôi cho tôm ăn bằng máy tự động (tôm ăn liên tục) sẽ hạn chế thức ăn nằm lâu trong nước, không phải tắt quạt khi tôm ăn, nên hạn chế thiếu hụt oxy giúp tôm ăn mạnh hơn. Tôm phát triển tốt và đồng đều hơn, đồng thời giảm được công lao động.

Cũng theo Thạc sĩ Tân, mô hình giúp nâng cao tỷ lệ sống tôm post và nâng cao sản lượng tạo nguồn nguyên liệu tôm sú nhiều hơn. Cụ thể, mô hình tổng thu khoảng 1,695 tỷ đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 747 triệu đồng/ha. Kết quả của mô hình là thu được sản phẩm tôm an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi tôm sú truyền thống và môi trường được bền vững góp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

HOÀNG LONG

.
.
.