Thứ Bảy, 01/10/2022, 09:59 (GMT+7)
.

Sở hữu trí tuệ: Góp phần nâng sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm

Để cụ thể hóa mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ (SHTT) trở thành công cụ quan trọng nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của địa phương, tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển và bảo vệ giá trị tài sản trí tuệ (TSTT) ngày càng có hiệu quả.

NHCN mai chiếu thủy nu Gò Công từng bước phát huy hiệu quả.
NHCN mai chiếu thủy nu Gò Công từng bước phát huy hiệu quả.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM

Thực hiện Chương trình Phát triển TSTT giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, tỉnh đã ban hành Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2017 - 2020.

Thông qua chương trình, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ các cá nhân, đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích; đặc biệt là các nhãn hiệu tập thể (NHTT), nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), chỉ dẫn địa lý.

Từ năm 2016 đến nay, Sở KH&CN đã hỗ trợ xây dựng  2 NHTT (sầu riêng Cai Lậy, sả Tân Phú Đông); 1 NHCN mai chiếu thủy nu Gò Công. Ngoài ra, 4 NHCN (gạo Gò Công, dưa hấu Gò Công, kẹo khóm Tân Phước, lạp xưởng Cai Lậy) đang trong quá trình thẩm định đơn đăng ký. Đây là điều kiện để các sản phẩm chủ lực của tỉnh được trong nước và quốc tế biết đến.

Theo Sở KH&CN, bên cạnh các sản phẩm chủ lực của địa phương, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện ngày càng nhiều. Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Tiền Giang có 530 nhãn hiệu, 33  kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ; 1.068 nhãn hiệu, 50  kiểu dáng công nghiệp, 46 sáng chế được chấp nhận đơn đăng ký.

Sầu riêng là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở khu vực Cai Lậy. Năm 2019, sầu riêng Cai Lậy được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận NHTT trong sự phấn khởi của nông dân.

Giám đốc Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp Huỳnh Tấn Lộc cho biết, từ khi được cấp NHTT, có nhiều thương lái quan tâm đến vấn đề này. Khi nhãn hiệu được dán lên trái, đây là dấu hiệu nhận diện sầu riêng có nguồn gốc từ Cai Lậy.

Từ đó, việc mua bán được thuận lợi hơn, giá bán cao hơn. Nông dân đã quan tâm đến chất lượng của sầu riêng hơn nhằm giữ gìn uy tín cho NHTT sầu riêng Cai Lậy vừa được công nhận, vừa giúp giá trị của sầu riêng Cai Lậy ngày càng tăng. Từ đó, niềm tin của người tiêu dùng với sầu riêng Cai Lậy được nâng lên.

Theo đánh giá của Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cai Lậy Lê Thanh Truyền, với việc đăng ký bảo hộ thành công NHTT “Sầu riêng Cai Lậy”, Hội Làm vườn huyện đã có thêm một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật thông qua việc sử dụng quyền SHTT. NHTT bước đầu đã giúp doanh nghiệp, HTX tiêu thụ trái sầu riêng được thuận lợi hơn.

Tại huyện Tân Phú Đông, sả là cây trồng chủ lực và đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận NHTT vào năm 2019. Hiện toàn huyện có khoảng 3.600 ha trồng sả và dự báo diện tích cây trồng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Phú Đông Nguyễn Thanh Quang, khi cây sả Tân Phú Đông được công nhận NHTT, người dân rất phấn khởi. Bởi khi đó, cây sả Tân Phú Đông sẽ phân biệt được với sả ở những vùng khác. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cây sả được xuất khẩu sang nước ngoài. Hiện nay, cây sả Tân Phú Đông đã xuất khẩu được sang một số nước châu Á và được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ.

Còn tại các huyện phía Đông của tỉnh, mai chiếu thủy nu Gò Công là loại kiểng nổi tiếng tại đây. Loại cây này đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận NHCN vào năm 2021. Ông Lê Văn Hạnh (xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) cho biết, gia đình ông được UBND huyện Gò Công Tây (đơn vị chủ sở hữu NHCN) cấp chứng nhận sử dụng NHCN mai chiếu thủy nu Gò Công được khoảng 1 năm nay. Khi được cấp chứng nhận, số lượng mai bán nhiều hơn so với trước, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Công Tây Nguyễn Đăng Khoa, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu thẩm định thực tế tại các hộ dân để đề xuất UBND huyện cấp giấy chứng nhận. Khi được cấp giấy chứng nhận, người dân sẽ nâng cao được uy tín của vườn mai. Đồng thời, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đưa sản phẩm ra thị trường. Từ đó, sản phẩm sẽ có giá trị cao hơn. Hiện huyện Gò Công Tây đã cấp cho 10 hộ trồng, kinh doanh mai chiếu thủy nu Gò Công.

TIẾP TỤC HỖ TRỢ

Tính đến tháng 12-2021, toàn tỉnh có 25 nhãn hiệu cộng đồng được xác lập và bảo hộ. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị của các nhãn hiệu cộng đồng hiện còn gặp khó khăn. Do đó, phát triển TSTT, hỗ trợ phát huy các nhãn hiệu cộng đồng là một trong những công việc quan trọng mà tỉnh xác định tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Lê Quang Khôi, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Chương trình Phát triển TSTT của tỉnh được phân thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến năm 2025 và giai đoạn 2 đến năm 2030. Mục tiêu tỉnh hướng đến là đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, đáp ứng yêu cầu hội nhập; tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều này nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong việc xác lập và bảo hộ cho các đối tượng như: Quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tham mưu UBND trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách như: Kế hoạch 07 ngày 11-1-2022 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược SHTT và Chương trình Phát triển TSTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 06/2022 của HĐND tỉnh ngày 8-7-2022 quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ TSTT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Các văn bản này đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước về SHTT, TSTT. Các văn bản trên đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị TSTT ngày càng có hiệu quả.

Cũng theo đồng chí Lê Quang Khôi, với vai trò là cơ quan tham mưu thực hiện Chương trình Phát triển TSTT, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương đăng ký bảo hộ TSTT cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực. Bên cạnh đó, ngành sẽ hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm hàng hóa. Trong đó, ưu tiên cho các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cũng như những sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP).

Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, hội nghị, Sở KH&CN sẽ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị TSTT. Đồng thời, tăng cường kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trên thị trường, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu. Ngoài ra, Sở KH&CN sẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khai thác các TSTT trong trường đại học, viện nghiên cứu, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

M. THÀNH - V. THẢO

.
.
Liên kết hữu ích
.