Chủ Nhật, 16/10/2022, 11:10 (GMT+7)
.

Thiên thạch xóa sổ khủng long từng tạo động đất suốt nhiều tháng

Trong quá khứ, tiểu hành tinh 10 km gây ra những trận siêu động đất mạnh tới 11 độ trong nhiều tháng liền sau khi đâm xuống vịnh Yucatan.

Mô phỏng vụ va chạm giữa tiểu hành tinh và Trái Đất. Ảnh: iStock
Mô phỏng vụ va chạm giữa tiểu hành tinh và Trái Đất. Ảnh: iStock

Cách đây khoảng 66 triệu năm, một tiểu hành tinh rộng 10 km đâm vào Trái Đất gần vịnh Yucatan, khiến hành tinh chìm trong bóng tối và gây ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt xóa sổ 80% động vật, bao gồm khủng long không biết bay. Siêu động đất hình thành do vụ va chạm để lại dấu vết trên đất đá quanh vịnh Mexico, theo nghiên cứu công bố hôm 9/10 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa lý Mỹ (GSA).

Hermann Bermúdez, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành địa chất ở Đại học Montclair tại New Jersey, phát hiện lớp đá ở Colombia, Mexico, Texas, Alabama và Mississippi bị biến dạng và nứt vỡ do động đất. Một số chứa đầy đá vụn từ trận sóng thần khổng lồ tạo bởi tác động của vụ va chạm. Vài lớp đá méo mó và vỡ vụn còn chứa bằng chứng về phấn hoa, dấu hiệu thực vật bắt đầu phục hồi ít nhất 6 tháng sau vụ va chạm, theo Bermúdez. Điều đó chứng tỏ những trận động đất kéo dài hàng tháng liền.

Vụ va chạm Chicxulub, đặt theo tên miệng hố do tiểu hành tinh tạo ra ở vịnh Yucatán, cực kỳ mạnh. Khi đâm xuống Trái Đất khoảng 66 triệu năm trước, tiểu hành tinh giải phóng năng lượng tương đương 10 tỷ quả bom nguyên tử ở Hiroshima và để lại miệng hố rộng 180 km. Năng lượng địa chấn lớn gấp 50.000 lần vụ động đất năm 2004 ở Sumatra. Vụ va chạm tạo ra hàng loạt trận động đất mạnh hơn 11 độ. Trong khi đó, trận động đất mạnh nhất trong lịch sử nhân loại là 9,5 độ ở Chile năm 1960. Vụ va chạm Chicxulub cũng kích hoạt sóng thần cao hơn 1,6 km.

Có nhiều báo cáo về dấu vết của thảm họa này trên đất đá, nhưng mô tả tương đối thưa thớt. Năm 2014, Bermúdez phát hiện lớp đá trên đảo Gorgonilla ở Colombia có nhiều hạt thủy tinh li ti gọi là tektite và microtektite, hình thành khi đá tan chảy bắn vào khí quyển bởi va chạm, sau đó trút xuống dưới dạng hình cầu. Phát hiện thôi thúc Bermúdez tìm kiếm bằng chứng khác về sự kiện.

Ở đông bắc Mexico, sông Brazos ở Texas, và vài địa điểm tại Alabama và Mississippi, Bermúdez xem xét những lớp đá có niên đại từ thời điểm xảy ra vụ va chạm giữa kỷ Phấn Trắng và kỷ Cổ Cận. Ông tìm thấy vết tích của vụ va chạm gồm đứt gãy, vết nứt, hỗn hợp mảnh vỡ và đá bùn. Một số lớp đá có dấu hiệu hóa lỏng, hiện tượng có thể xảy ra ở trầm tích sũng nước trong động đất lớn, khi rung chấn khiến nền đất mất đi độ rắn chắc và có đặc tính giống chất lỏng.

Tất cả đất đá mà Bermúdez nghiên cứu nằm ở đáy biển khi vụ va chạm xảy ra. Bằng chứng trên đảo Gorgonilla hé lộ sự kiện kéo dài rất lâu sau va chạm ban đầu. Bào tử dương xỉ dần dần trôi dạt xuống đáy biển nhiều ngày đến nhiều tuần sau khi giải phóng từ cây. Bermúdez sẽ trở lại Mexico để tiến hành nhiều nghiên cứu thực địa hơn. Ông hy vọng có thể ước tính quy mô động đất sau vụ va chạm dựa trên mẫu vật đất đá.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.