.

Chậu kiểng làm từ khẩu trang tái chế

Cập nhật: 08:40, 30/11/2022 (GMT+7)

Với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế việc lây lan, phát tán mầm bệnh trong cộng đồng, em Cao Hữu Tín, học sinh Trường THCS Võ Đăng Được (xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã nghiên cứu, sử dụng những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng để tạo ra nhiều chậu kiểng, bình cắm hoa xinh xắn.

Em Cao Hữu Tín cho biết, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhận thấy lượng khẩu trang đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi nơi công cộng, vừa làm mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, phát tán mầm bệnh trong cộng đồng, em suy nghĩ phải tìm cách thu gom, xử lý hoặc tái sử dụng chúng để tạo ra những sản phẩm có ích. Được sự hướng dẫn, gợi ý của giáo viên chủ nhiệm, Tín bắt tay vào nghiên cứu quy trình xử lý và sử dụng khẩu trang tái chế để tạo thành những chậu kiểng và bình cắm hoa bằng biện pháp thủ công.

Em Cao Hữu Tín đang tạo hình chậu kiểng từ khẩu trang tái chế.
Em Cao Hữu Tín đang tạo hình chậu kiểng từ khẩu trang tái chế.

Việc thu gom, xử lý khẩu trang đã qua sử dụng được tiến hành qua 2 bước: Đầu tiên, Tín sử dụng vỏ một thùng đựng rác bằng nhựa và chai sát khuẩn đặt trước cổng trường kèm bảng hướng dẫn mọi người sát khuẩn khẩu trang đã qua sử dụng trước khi bỏ vào thùng. Tiếp theo, Tín lần lượt cho số khẩu trang thu được vào lò vi sóng sát khuẩn lần 2 (ở nhiệt độ 3000C trong thời gian 1 phút) nhằm tiêu diệt mầm bệnh một cách triệt để. Sau khi diệt khuẩn, Tín cắt bỏ quay đeo cùng phần nhựa cứng ở cạnh trên của khẩu trang và dùng chỉ kết nhiều khẩu trang lại thành các tấm hình vuông, chữ nhật (có thể cắt thành hình oval) với kích thước tùy thuộc vào cỡ chậu muốn tạo ra (từ 6 - 10 khẩu trang). 

Công đoạn quan trọng tiếp theo là tạo hình cho sản phẩm. Dụng cụ (khuôn) hỗ trợ công đoạn tạo hình gồm: Thau, rổ, thùng sơn, ống nhựa… Theo đó, Tín sử dụng các tấm khẩu trang nhúng vào dung dịch xi măng (pha nước sền sệt để đảm bảo độ bám dính) và quấn lên khuôn tạo hình theo ý muốn (có thể tạo gân nổi cho bề mặt chậu bằng cách xếp cạnh cho tấm khẩu trang trước khi quấn vào khuôn). Sau đó, Tín dùng cọ quét bổ sung dung dịch xi măng lên bề mặt để tăng độ bền chắc.

Các chậu kiểng do em Cao Hữu Tín tạo ra từ khẩu trang tái chế.
Các chậu kiểng do em Cao Hữu Tín tạo ra từ khẩu trang tái chế.

Công đoạn kế tiếp là sơn và trang trí cho chậu (sau khi phơi nắng một ngày cho bề mặt được khô). Bề mặt chậu sau khi được chà nhám, dùng sơn màu Acrylic quét lên 2 lớp (lớp sơn lót dùng màu trắng), sau đó sơn trang trí (tạo hình bông, hoa, lá cây…) với nhiều tông màu khác nhau tùy theo hình dáng, kích cỡ của chậu giúp làm tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm.

Thầy Dương Phát Liêm, giáo viên Trường THCS Võ Đăng Được, người hướng dẫn em Cao Hữu Tín thực hiện đề tài trên cho biết: Ý tưởng và sản phẩm do em Tín tạo ra có tính mới, tính sáng tạo rất cao do chưa được ai nghiên cứu, tạo ra trước đó. Quá trình, nghiên cứu, tạo ra sản phẩm của em Tín được thực hiện rất công phu, tỉ mỉ. Sản phẩm này không chỉ giúp làm đẹp, trang trí khuôn viên trường học, cơ quan, phòng làm việc, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đóng góp quan trọng vào lĩnh vực y tế dự phòng, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.