Thứ Năm, 05/01/2023, 22:07 (GMT+7)
.

Israel phóng vệ tinh siêu nhỏ thứ 3 mang tên TAU-SAT3 vào không gian

Vệ tinh sẽ bay trên một quỹ đạo cách Trái Đất 550km trong vòng 5 năm để thực hiện một số nhiệm vụ khoa học, bao gồm thử nghiệm liên lạc ở tốc độ cao và trong các tình huống vệ tinh lớn bị gián đoạn.

 Vệ tinh mang tên TAU-SAT3, được phóng hôm 3/1 từ trạm Cape Canaveral ở bang Florida (Mỹ). Nguồn: timesofisrael
Vệ tinh mang tên TAU-SAT3, được phóng hôm 3/1 từ trạm Cape Canaveral ở bang Florida (Mỹ). Nguồn: timesofisrael

Các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv (TAU) ngày 4-1 thông báo vừa phóng thành công một vệ tinh siêu nhỏ vào không gian, tạo một bước đột phá trong công nghệ truyền dẫn thông tin quang học và lượng tử giữa không gian và Trái Đất.

Vệ tinh mang tên TAU-SAT3, được phóng hôm 3/1 từ trạm Cape Canaveral ở bang Florida (Mỹ) bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của hãng SpaceX.

Dự kiến vệ tinh sẽ bay trên một quỹ đạo cách Trái Đất 550km trong vòng 5 năm để thực hiện một số nhiệm vụ khoa học, bao gồm thử nghiệm liên lạc ở tốc độ cao và trong các tình huống vệ tinh lớn bị gián đoạn. Cung cấp năng lượng trong suốt vòng đời của vệ tinh này là sản phẩm pin cũng do một công ty của Israel chế tạo.

Giáo sư Meir Ariel, Giám đốc Trung tâm vệ tinh nano của TAU, giải thích: “Vệ tinh TAU-SAT3 có kích thước chỉ 20 cm, mang theo một thiết bị quang học dài vài cm. Khi bay qua Israel, nó sẽ phát ra các tín hiệu ánh sáng ở các bước sóng khác nhau. Một kính viễn vọng lắp đặt ở trạm mặt đất sẽ nhận dạng, khóa mục tiêu và bám theo vệ tinh. TAU-SAT3 sẽ liên tục gửi thông tin về Trái Đất cả dưới dạng quang học và sóng radio.”

Đây là vệ tinh nano thứ 3 được TAU phóng vào không gian trong vòng chưa đầy 2 năm qua. Hai vệ tinh nano đầu tiên được thiết kế để đo bức xạ vũ trụ xung quanh Trái Đất và thử nghiệm các biện pháp bảo vệ hệ thống điện tử lắp đặt trên vệ tinh khỏi ảnh hưởng của bức xạ.

Chúng được phát triển với sự hợp tác của nhiều tổ chức khoa học khác nhau, trong đó có trung tâm nghiên cứu hạt nhân SOREQ của Israel. TAU-SAT3 là vệ tinh đầu tiên được thiết kế, phát triển và chế tạo hoàn chỉnh bởi các nhà nghiên cứu tại Khoa Cơ khí Fleischman thuộc TAU.

Vệ tinh sẽ duy trì liên lạc với một trạm quang học được lắp đặt trên mái của một tòa nhà trong khuôn viên TAU. Đây là trạm quang học mặt đất đầu tiên ở Israel và là một trong số rất ít các trạm tương tự trên thế giới có thể khóa tín hiệu, theo dõi và thu thập dữ liệu từ một vệ tinh mà nếu nhìn từ Trái Đất chỉ có kích thước nhỏ hơn một pixel (tương đương 0,26 mm).

Thông báo cho biết vệ tinh nano TAU-SAT3 sẽ tạo một bước đột phá, mở đường cho giải pháp kết nối quang học và lượng tử từ Trái Đất tới không gian thông qua các vệ tinh nano.

Trong tương lai, về mặt công nghệ thế giới sẽ phát triển và phóng các vệ tinh nano với chi phí thấp hơn nhiều so với các vệ tinh lớn.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/israel-phong-ve-tinh-sieu-nho-thu-3-mang-ten-tausat3-vao-khong-gian/839670.vnp)

.
.
.