.

Biến chất nhầy ốc sên thành 'keo dính' vết thương

Cập nhật: 20:18, 02/02/2023 (GMT+7)

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một chất kết dính sinh học từ chất nhầy ốc sên để chữa lành vết thương hở và loét mạn tính.

Mỗi năm, hàng trăm triệu người bị thương do tai nạn, loét mạn tính và các vết thương mô da khác, trong những trường hợp nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng. Việc phát minh ra chất kết dính mô đã mang lại tiến bộ công nghệ vượt bậc cho hoạt động phẫu thuật.

Hiện nay, hai chất kết dính mô được dùng chủ yếu trong thực hành lâm sàng là cyanoacrylate và fibrin (được tổng hợp hóa học). Cyanoacrylate có đặc tính kết dính mạnh, nhưng nhược điểm là phân hủy chậm và có tác dụng phụ độc hại. Chất kết dính fibrin có khả năng tương thích sinh học tốt, nhưng do độ bám dính yếu, nó chỉ được áp dụng cho một số vùng mô có ứng suất cục bộ nhỏ với phạm vi ứng dụng hạn chế. Do đó, có một nhu cầu lâm sàng cấp bách đối với chất kết dính mô có khả năng tương thích sinh học tốt, độ bám dính cao và rủi ro tiềm ẩn thấp.

Ốc sên bạch ngọc tại một cơ sở chăn nuôi ở tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc. Ảnh: CFP
Ốc sên bạch ngọc tại một cơ sở chăn nuôi ở tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc. Ảnh: CFP

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Thực vật học Côn Minh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra chất kết dính gốc polysaccharid (d-SMG) tự nhiên trong dịch nhầy của ốc sên bạch ngọc cho đặc tính kết dính mạnh với mô ướt, tốt hơn keo fibrin dùng trong lâm sàng, theo báo cáo trên tạp chí Nature Communications vào cuối tháng trước.

Các thí nghiệm trên cả chuột khỏe mạnh và mắc bệnh tiểu đường đã chỉ ra rằng chất kết dính tự nhiên d-SMG này bám chặt vào các vết thương ngoài da và thúc đẩy quá trình chữa lành mà không gây tổn thương thứ cấp và hình thành sẹo.

Ngoài ra, nó còn có thể làm giảm viêm ở các vết thương mạn tính và cải thiện đáng kể quá trình tái tạo. Phân tích chuyên sâu về cơ chế cho thấy hydrogel tự nhiên đã tăng tốc đáng kể quá trình tái tạo mô hạt, hình thành mạch và lắng đọng collagen trong các vết thương mạn tính, đồng thời chống viêm bằng cách tăng mức độ phosphoryl hóa của quá trình truyền tín hiệu.

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khai sáng nhất định đối với sự phát triển của một thế hệ chất kết dính y sinh mới, đồng thời cung cấp ý tưởng mới để điều trị các vết thương ngoài da thông thường, hay vết loét bàn chân khó chữa ở bệnh nhân tiểu đường và các bệnh ngoài da khác.

(Theo vnexpreess.net)

.
.
.