Thứ Năm, 23/02/2023, 21:32 (GMT+7)
.

Chế phẩm nano chữa bệnh cho cây trồng

Các nhà khoa học Việt đã phát triển dưỡng chất nano tích hợp, vi lượng và dung dịch nano chữa bệnh cho cây trồng, giúp tăng năng suất và giảm tác động tới môi trường.

Tại hội thảo "Kết nối công nghệ phát triển nông nghiệp trồng trọt" diễn ra ngày 21/2, PGS.TS Hà Phương Thư, Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), đã chia sẻ kết quả nghiên cứu phân bón nano, tích hợp các chất vi lượng.

TS Thư cho biết, với cấu trúc xốp hấp phụ và dễ dàng liên kết với polime bao phủ bên ngoài, phân bón này tăng khả năng hấp thu, kiểm soát quá trình phóng thích vi lượng giúp tăng hiệu quả sử dụng.

Từ công nghệ này, nhóm đã phát triển 3 sản phẩm cho cây trồng dựa vào công nghệ nano gồm dưỡng chất nano tích hợp, nano vi lượng và dung dịch nano chữa bệnh để sử dụng kết hợp phun trên các gốc, mặt lá... giúp tạo sức đề kháng cho cây với các loại sâu bệnh gây hại, bệnh do vi khuẩn nấm gây ra.

Nhóm nghiên cứu phát triển sản xuất ở quy mô pilot, xây dựng dây chuyền và vận hành tối ưu công nghệ trước khi đem thử nghiệm trên cây trồng.

Cây măng tây bị bệnh loét lá, thối rễ (trái) và cây măng tây sau 15 ngày điều trị bằng sản phẩm dưỡng chất nano vi lượng (phải) tại Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân – Nam Định. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Cây măng tây bị bệnh loét lá, thối rễ (trái) và cây măng tây sau 15 ngày điều trị bằng sản phẩm dưỡng chất nano vi lượng (phải) tại Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân – Nam Định. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

PGS Thư cho biết, chế phẩm có thể ứng dụng trên nhiều loại cây, trong đó có cây gừng, nghệ vàng và măng tây. Khảo nghiệm thực tế tại HTX Trường Xuân (Nam Định) cho thấy sử dụng chế phẩm nano kim loại chữa bệnh trên măng tây, nấm bệnh măng tây Puccinia Asparagi khiến sọc thân khô và nấm bệnh Cercospora Asparagi gây hại cho thấy hiệu quả sau 7 ngày sử dụng.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, ở Việt Nam mỗi năm sử dụng tới 11 triệu tấn phân bón, tiêu tốn 38-40 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ có 35-40% trong số này mang lại hiệu quả, một lượng lớn phân bón bị thải ra ngoài môi trường. Lượng phân bón trôi ra đất làm thay đổi kết cấu và tính chất hóa học đất (chua mặn, tích tụ kim loại) và ảnh hưởng hệ sinh vật có lợi trong đất. Theo PGS Thư, đây là lý do nhóm nhà khoa học tại Viện Khoa học vật liệu nghiên cứu loại phân cho hiệu quả sử dụng cao hơn.

Tại hội thảo, nhiều ứng dụng công nghệ nano trong phát triển nông nghiệp trồng trọt cũng được các nhà khoa học giới thiệu. GS.TS Nguyễn Hoài Châu, Viện Công nghệ môi trường, giới thiệu phân bón công nghệ nano qua lỗ khí khổng của lá nhằm tăng cường sự hấp thụ dinh dưỡng qua lá, góp phần tăng hiệu quả canh tác cây nông nghiệp.

Ông cho biết, loại phân bón lá có thành phần vi lượng kích thước nhỏ (nanomet), nhờ đó cây trồng dễ dàng hấp thu hơn. Các nhà khoa học tạo phân bón lá nano phức Humic - một chất hữu cơ tự nhiên có tính kích thích sinh học từ công nghệ nano. Công nghệ cũng cho phép chế tạo đồng thời thành phần nano của các nguyên tố vi lượng. Thử nghiệm thực tế canh tác ngô ứng dụng chế phẩm nano tại Đồng bằng sông Cửu Long giúp giảm 25% phân hóa học, tăng năng suất lên 220 kg/ha, tăng hiệu quả kinh tế trên 10%.

PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ trưởng ban công nghệ, VAST, đánh giá cao các chia sẻ từ các nhà khoa học. Ông cho biết, đây là dịp để các đơn vị nghiên cứu, nhà khoa học giới thiệu và trao đổi hợp tác chuyển giao công nghệ tới các doanh nghiệp. Hội thảo do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) phối hợp chương trình Aus4Innovation và Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo ngành rau quả tổ chức.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.